Thường Xuân là huyện miền núi, nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Là vùng đất có từ lâu đời, với bề dầy lịch sử, vị trí quan trọng trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong tiến trình lịch sử đó, mỗi làng bản đều gắn liền với lịch sử, địa danh, như Hội thề Lũng Nhai, núi Chí Linh, cầu Bến Nhạ, thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt…và những người con anh hùng như Cầm Bá Thước (phong trào Cần Vương), Lò Văn Bường (kháng chiến chống thực dân Pháp), Cầm Bá Trùng và Hà Văn Thanh (kháng chiến chống đế quốc Mỹ)...
Cùng với truyền thống yêu nước, đồng bào các dân tộc đã tạo nên những nét đẹp, bản sắc văn hóa từ trong lao động sản xuất cần cù, sáng tạo, sống có nghĩa tình, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lần nhau.
Huyện có hơn 918 nhân sĩ, trí thức người DTTS, hơn 20 doanh nhân DTTS và 99 Người có uy tín. Trong những năm qua, đội ngũ Người có uy tín này đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; vận động gia đình, dòng họ xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước ở khu dân cư, trong xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 7,6%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, ngành Công nghiệp - Xây dựng chiếm 42,6%, ngành Thương mại - Dịch vụ chiếm 32,7% và ngành Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản chiếm 24,7%. Đã có 6 xã đạt xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 41 thôn đạt tiêu chuẩn NTM, trong đó có 5 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm giải quyết kịp thời; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ trên 93,5%; phấn đấu năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,83%, còn 15%.
Những thành tích chung của toàn huyện có sự đóng góp của đồng bào các DTTS, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, cốt cán và Người có uy tin. Điển hình như ông Vi Hắc Hải, dân tộc Thái, Người có uy tín thôn Dín, xã Xuân Thắng, đã gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình, cũng như tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất thực hiện xây dựng NTM. Qua đó, có hộ đã hiến 500 m2 đất ao vườn và 1.000 m2 đất, mở rộng trường học, tạo điều kiện mặt bằng xây dựng cơ sở vật chất, khuôn viên cây xanh, khu vui chơi cho các em học sinh.
Hay như bà Lò Thị Thanh, dân tộc Thái, thôn Thành Lãm, xã Tân Thành, là chủ hộ sản xuất kinh doanh, đi đầu trong phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm; tạo việcn làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ngoài ra, còn hỗ trợ các gia đình khó khăn xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh hàng chục triệu đồng...
Bên cạnh đó, những tấm gương người DTTS là trí thức có thành tích cao trên các lĩnh vực y tế và giáo dục như: Cô giáo Vi Thị Sỏi, dân tộc Thái, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Thắng, đã cùng với tập thể phấn đấu nâng cao chất lượng đại trà và mũi nhọn. Theo đó, trong những năm qua, nhà trường luôn có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, được các cấp khen thưởng.
Hay như ông Cầm Bá Thắng, dân tộc Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 diễn biến kéo dài, đã cùng với tập thể y, bác sĩ tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, thành lập các tổ phòng, chống, các trạm gác kiểm soát, nhanh chóng phát hiện các triệu chứng nghi nhiểm, tổ chức cách ly, lấy mẫu phẩm xét nghiệm, thần tốc truy vết F1, cô lập nguồn lây bệnh, khoanh vùng, dập dịch sớm khu vực lây nhiễm, giúp các khu vực không lây nhiễm vẫn diễn ra các hoạt động bình thường.
Đặc biệt, trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bà Hà Thị Hòa, dân tộc Thái, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ngọc Phụng, luôn tích cực vận động hội viên đóng góp, ủng hộ ngày công, tài sản xây dựng các nhà văn hóa thôn; tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, thành lập các câu lạc bộ thu hút hội viên tham gia, truyền dạy văn hóa, thể thao truyền thống như khát khặp, ném còn, kéo co…
Dự và phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Minh Hành - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa biểu dương và ghi nhận những thành tích, đóng góp quý báu của đội ngũ Người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân DTTS huyện Thường Xuân. Từ các phong trào thi đua yêu nước, Thường Xuân xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS trên mọi lĩnh vực.
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa khẳng định, các điển hình tiên tiến là “chỗ dựa” vững chắc, là “cầu nối” quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc; là tấm gương sáng, đi đầu, hướng dẫn, cùng với đồng bào DTTS đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa mong các cá nhân điển hình sẽ tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; củng cố và tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế - xã hội các xã khó khăn trên địa bàn huyện Thường Xuân, giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đưa Thường Xuân thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025.
Tại Hội nghị, đã có 170 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân tặng Giấy khen vì đã có thành tích tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Thường Xuân 2021 - 2023.