Chiếm dụng làm của riêng khi được giao trông coi nhà
Trong nội dung đơn thư gửi tới báo Dân tộc và Phát triển, ông Đỗ Quang Hậu (cháu ruột của ông Đỗ Văn Hòa) trình bày: Gia đình ông Đỗ Văn Hòa và vợ là Bùi Thị Thiện được thừa kế 150m2 nhà đất tại thửa số 2413, tờ bản đồ số 10 xóm Lẻ, làng Hà Hồi, phủ Thường Tín, tổng Hà Đông (nay là thửa đất số 230, tờ bản đồ số 03, số nhà 82, xóm Phạm Hồng Thái, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội).
Năm 1974, UBND xã Hà Hồi đã tạm giao nhà đất nêu trên cho gia đình ông Đỗ Văn Hạnh (hay Đỗ Đức Hạnh) sử dụng để ở, vì tại thời điểm đó, UBND xã Hà Hồi coi đây là nhà vắng chủ. Hiện trạng khi bàn giao có căn nhà cũ 5 gian và căn nhà gác 2 tầng.
Đến ngày 15/10/1993, UBND huyện Thường Tín có Thông báo số 71/TB-UB về việc giải quyết nhà do xã Hà Hồi quản lý, đã kết luận việc giao cho gia đình ông Đỗ Văn Hạnh quản lý nhà đất nêu trên là thiếu căn cứ, do đã có sự nhầm lẫn giữa tài sản của người chết với đất vắng chủ của người đi Nam. Vì vậy, UBND huyện Thường Tín yêu cầu UBND xã Hà Hồi thu hồi và trả lại nhà đất cho gia đình ông Đỗ Văn Hòa.
Ngày 25/12/1993, UBND xã Hà Hồi đã ban hành Quyết định số 25/QĐ-UB thu lại nhà mà gia đình ông Đỗ Văn Hạnh đang ở, để giao cho gia đình ông Đỗ Văn Hòa và bà Bùi Thị Thiện. Quyết định này đã phân định rõ quyền sở hữu hợp pháp đối với nhà đất này thuộc về gia đình ông Đỗ Văn Hòa và bà Bùi Thị Thiện, không phải thuộc sở hữu của gia đình ông Đỗ Văn Hạnh.
Tuy nhiên, từ thời điểm UBND xã Hà Hồi ban hành Quyết định thu lại nhà cho đến nay (đã gần 18 năm), mặc dù gia đình ông Đỗ Văn Hòa đã nhiều lần yêu cầu trả lại nhà đất, nhưng gia đình ông Đỗ Đức Hạnh vẫn không trả lại nhà cho gia đình ông Đỗ Văn Hòa, mà tiếp tục chiếm giữ trái phép.
Tại buổi làm việc giữa phóng viên báo Dân tộc và Phát triển với UBND huyện Thường Tín về việc, xác định nguồn gốc đất, nhà thuộc về ai, ông Pham Văn Tập, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín cho biết: “Theo thông tin báo cáo sơ bộ do UBND huyện Thường Tín yêu cầu xã Hà Hồi báo cáo, thì nhà, đất nêu trên thuộc sở hữu của gia đình ông Đỗ Văn Hòa và hiện nay là ông Đỗ Quang Hậu đang đi đòi lại cho gia đình. Còn gia đình ông Đỗ Đức Hạnh chỉ là được UBND xã giao trông coi. Khi sự việc xảy ra, UBND huyện đã hướng dẫn ông Đỗ Quang Hậu khởi kiện ra tòa và yêu cầu Tòa án Nhân dân huyện phân định tài sản và trả lại cho nhà ông Hậu”.
Tòa trả hồ sơ, dân tự ý đập nhà cổ!
Theo đại diện lãnh đạo xã Hà Hồi cho biết: “Sự việc đã kéo dài rất nhiều năm, hai bên đã ra Tòa, nhưng vẫn không giải quyết được. Trong buổi hòa giải do xã tổ chức hòa giải giữa hai bên, ông Hậu đã có ý kiến “không ra tòa”.
Giải thích vấn đề này, ông Hậu cho biết: “Tôi không ra Tòa, bởi Tòa đã tuyên trả hồ sơ về, do đây không phải là sự việc dân sự giữa hai bên. Theo Thông báo số 131 TB-TA, ngày 2/10/2020 của Tòa án Nhân dân huyện Thường tín, Hà Nội “trả lại đơn khởi kiện của ông Đỗ Quang Hậu do không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bằng vụ án dân sự”. UBND xã là cơ quan ra văn bản giao nhà, đất theo diện trông coi cho ông Hạnh, thì UBND xã phải có trách nhiệm thu hồi nhà, đất từ chỗ ông Hạnh và trả lại cho gia đình tôi”.
Đáng nói đến, ngôi nhà gắn liền với thửa đất trên, là ngôi nhà cổ trăm năm tuổi, đã bị đập đi và nhà ông Hạnh ngang nhiên xây dựng công trình mới trên đất được giao trông nom.
“Căn nhà cổ là lịch sử, mang ý nghĩa tâm linh đối với gia đình chúng tôi, là nơi tổ tiên sinh sống từ lâu đời. Đấy là điều chúng tôi muốn giữ lại cho các thế hệ con cháu của dòng họ chúng tôi. Nhưng giờ thì chẳng còn gì nữa. Nhà ngay trước cửa trụ sở Công an xã Hà Hồi, mà gia đình tôi kiến nghị bao nhiêu năm cũng không giữ nổi”, ông Đỗ Quang Hậu chia sẻ.
Để có thông tin chính xác trả lời bạn đọc, ngày 1/11/2021, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Hà Hồi. Trong buổi làm việc, phóng viên đề nghị cán bộ địa chính xã Hà Hồi đưa xuống công trình sai phạm, thế nhưng cán bộ xã ngay lập tức từ chối dẫn đi trực tiếp.
Cán bộ địa chính xã rụt rè: “Tôi chỉ dám đưa các anh qua đoạn đấy thôi. Có lần tôi đưa đoàn kiểm tra và nhà báo… xuống thì đã bị người xây dựng tại công trình đấy lên tận nhà đe dọa”!.
Liên quan đến sự việc này, UBND TP. Hà Nội đã có 2 văn bản (Văn bản số 7452/VP-ĐT ngày 20/7/2021 và Văn bản số 9956/VP-ĐT ngày 17/9/2021) chỉ đạo UBND huyện Thường Tín khẩn trương kiểm tra, giải quyết triệt để tranh chấp quyền sử dụng đất giữa gia đình ông Đỗ Đức Hạnh và gia đình ông Đỗ Văn Hòa tại xã Hà Hồi, huyện Thường Tín. Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Thường Tín phải có phương án xử lý đối với công trình xây dựng không phép trên địa bàn do UBND xã Hà Hồi, huyện Thường Tín quản lý, để không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
Căn cứ chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, công trình xây dựng không phép trên đã bị buộc tạm dừng xây dựng. Thế nhưng, bất chấp sự chỉ đạo UBND TP. Hà Nội, công trình xây dựng trái phép vẫn tiếp tục được xây dựng như thách thức chính quyền và gây bức xúc cho người dân địa phương.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.