Trước năm 2005, huyện Sóc Sơn đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 229 hộ, cá nhân nằm trên diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng. Với những tấm bìa đỏ được chính quyền cấp trong tay, việc mua bán chuyển nhượng đất rừng phòng hộ diễn ra tấp nập. Theo đó, những quả đồi, những vạt rừng xanh tốt nhanh chóng bị cạo trọc, các đại công trường xây dựng nối tiếp nhau hình thành, hoạt động dưới sự làm ngơ của chính quyền địa phương.
Nói như vậy bởi, nếu không có sự làm ngơ của chính quyền địa phương thì sự việc trên không thể diễn ra công khai kéo dài suốt hơn chục năm liền như vậy. Bởi lẽ, sống giữa Thủ đô Hà Nội, người dân chỉ cần xây một công trình nhỏ không phép thì ngay lập tức sẽ có đủ mặt các ban ngành chức năng với hàng tá các biên bản vi phạm được lập. Kèm theo đó là nộp phạt, cắt điện nước, thậm chí là cưỡng chế giải tỏa…
Thế nên trong câu chuyện xẻ thịt rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn, dư luận hoàn toàn có lý khi đặt câu hỏi: đằng sau sự làm ngơ của chính quyền, liệu rằng có sự câu kết, lợi ích nhóm của những người có chức có quyền? Hàng chục, hàng trăm nghìn m2 rừng bị san phẳng để xây khu nghỉ dưỡng, biệt phủ. Đó không phải là “cây kim” khiến lãnh đạo chính quyền địa phương qua các thời kỳ không biết, không thấy!
Không những thế, kể từ tháng 4/2006, khi Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra về vụ việc sử dụng sai mục đích đất rừng tại Sóc Sơn, theo đó, nhiều sai phạm đã được chỉ ra nhưng không được xử lý nghiêm minh. Vi phạm vẫn tiếp diễn, rừng vẫn mất là một thực tế đau lòng. Nhiều cán bộ chịu trách nhiệm trong vụ việc cũng đã nghỉ hưu. Không hiểu phép màu nào đã giúp cho các cán bộ làm ngơ cho sai phạm được hạ cánh an toàn?
Vậy nên, những ngày này, khi sự việc được các cơ quan truyền thông, báo chí đồng loạt đăng tải, dư luận đòi hỏi vụ việc phải được làm sáng tỏ và xử lý nghiêm minh. Không thể để tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” tiếp tục tái diễn, gây mất niềm tin trong nhân dân.
MẠNH HÀ