Cho vay để xây mới, sửa chữa nhà dột nát
Ngày 26/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021- 2030. Nghị định số 28/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở; cho vay hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, đối tượng vay vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở bao gồm: Hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vay vốn để sử dụng vào việc trang trải chi phí để có đất ở, chi phí xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở.
Gói chính sách tín dụng theo Nghị định số 28, cũng quy định mức vay tối đa đối với đất ở không quá 50 triệu đồng, nhà ở không quá 40 triệu đồng với mức lãi suất ưu đãi 3%/năm. Đây là cơ hội lớn đối với những hộ nghèo người đồng bào DTTS đang có hoàn cảnh cấp bách về nhà ở, đất ở.
Là huyện miền núi, Quỳ Châu (Nghệ An) có đến 78% dân số là người DTTS. Do phần lớn diện tích đất của huyện là diện tích đồi núi, thiếu đất sản xuất nên đời sống đồng bào các DTTS còn nhiều khó khăn. Để đồng bào phát triển kinh tế, chính sách ưu đãi tín dụng theo Nghị định số 28, được xác định là đòn bẩy quan trọng.
Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách ưu đãi tín dụng, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Quỳ Châu đã tham mưu UBND huyện ban hành Công văn số 542/UBND-DT ngày 17/5/2022 của UBND huyện Quỳ Châu, về việc rà soát danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi. Từ danh sách, đối tượng được thụ hưởng ưu đãi của gói tín dụng, ngân hàng CSXH tiến hành giải ngân kịp thời để phát huy đồng vốn.
Đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Châu đã tiến hành 10 đợt giải ngân, với tổng số vốn giải ngân hơn 10,3 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, tổng số hộ được vay từ nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 28 là 258 hộ, với mức cho vay tối đa là 40 triệu đồng/hộ. Trong đó, có 64 trường hợp xây mới nhà để ở, 194 trường hợp sửa chữa nhà dột nát đảm bảo nhà ở kiên cố cho người dân.
Không riêng gì huyện Quỳ Châu, đến thời điểm hiện nay, Nghệ An đã giải ngân cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP là trên 40 tỷ đồng. Một số huyện có đông đồng bào DTTS có doanh số cho vay đạt cao như huyện Kỳ Sơn 10,9 tỷ đồng; Quỳ Châu 10,3 tỷ đồng; Con Cuông 9,2 tỷ đồng; Tương Dương 5,2 tỷ đồng…Như vậy, cho đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có trên 10.000 hộ gia đình đã được giải ngân cho vay để sửa chữa, làm mới nhà ở.
Đã có hộ nghèo người DTTS an cư trong nhà mới
Theo danh sách đối tượng ưu tiên đã được giải ngân để làm nhà mới theo Nghị định số 28, phóng viên báo Dân tộc và Phát triển tìm về nhà chị Lữ Thị Hiền (dân tộc Thái, SN 1987) ở xóm Mới, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu. Nhà chị Hiền có 3 người, 2 vợ chồng và 1 con còn nhỏ. Hai vợ chồng chị Hiền sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo khó khăn ở xã. Dù đã ra ở riêng từ lâu, nhưng vợ chồng chị Hiền vẫn chưa thể tạo dựng được nơi ở đoàng hoàng. Mỗi bận mưa về, gia đình chị lại thấp thỏm nỗi lo nhà dột, nhà sập. Nỗi khát khao có được nơi an cư kiên cố luôn thôi thúc trong anh chị, thế nhưng do quá khó khăn nên lực bất tòng tâm ở vậy!
Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn từ năm 2021- 2030, là cơ hội lớn để gia đình chị Hiền thực hiện giấc mơ an cư. Từ khâu lập danh sách đối tượng thụ hưởng đến công tác giải ngân cho vay được thực hiện công khai và nhanh chóng. Gia đình chị Lữ Thị Hiền đã được vay vốn để xây mới ngôi nhà như nguyện vọng bấy lâu.
Đến thăm nhà chị Hiền, căn nhà tạm bợ trước kia đã được dỡ bỏ. Thay vào đó là một ngôi nhà nhỏ xinh, kiên cố đã được xây nhà mới đang được hoàn thiện dọn vào nhà mới. Không dấu nổi miền vui, chị Hiền chia sẻ: “Ngay sau khi được cho vay vốn, gia đình tôi đã bắt tay ngay vào việc làm nhà, vì đây là ước mơ của gia đình từ lâu. Ngoài vốn vay của nhà nước, anh em và chòm xóm còn giúp công để giảm chi phí. Có được nơi ở kiên cố, vợ chồng tôi yên tâm hơn để lao động sản xuất. Đồng tâm vợ chồng phát triển kinh tế và tích lũy trả dần vốn vay cho nhà nước”.
Cùng với chị Hiền, hộ chị Hà Thị Thủy (SN 1966) ở Quỳnh 2, xã Châu Bình, nhà có 3 mẹ con, con trai lớn đi làm thuê, con gái út đang học cấp 2, là hộ nghèo của xã, nhà ở đã xuống cấp. Được giải ngân vốn vay, nay gia đình chị đã sửa chữa lại nhà ở kiên cố để gia đình an tâm trong những mùa mưa bão.
Hay như hộ ông Lô Văn Châu (dân tộc Thái, SN 1964) ở xóm mới, xã Châu Phong có 6 người, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, là hộ nghèo lâu năm của xã Châu Phong, nhà ở đã xuống cấp không ở được phải dỡ bỏ. Sau khi được giải ngân cho vay ưu đãi, gia đình ông Châu cũng đang hoàn thiện ngôi nhà ước mơ để sớm ổn định cuộc sống.
Để phát huy hơn nữa gói chính sách tín dụng theo Nghị định số 28 của Chính phủ, Ngân hàng CSXH chi nhánh Nghệ An đang tích cực phối hợp với các huyện, thị trên địa bàn tỉnh để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Ngoài cho vay để tạo dựng đất ở, xây mới và sửa chữa nhà ở; Nghị định số 28 của Chính phủ còn có nhiều nội dung cho vay khác như: Cho vay hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với lãi suất ưu đãi. Đây sẽ là động lực, là “đòn bẩy” quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi phát triển toàn diện theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã được đặt ra tại Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 trên địa bàn Nghệ An.