Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/6/2017, gồm 3 dự án thành phần: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; Tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; Phát triển các loại hình nghệ thuật biểu diễn.
Cơ chế huy động vốn cho chương trình được thực hiện theo hình thức đa dạng hóa. Cụ thể hơn là, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, nguồn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tăng cường phối hợp, lồng ghép các chương trình khác của bộ, ngành Trung ương để triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Nhờ cơ chế “mở” này, nhiều địa phương đã huy động được nguồn vốn để đầu tư tôn tạo di tích, bảo tồn văn hóa truyền thống, các loại hình nghệ thuật...
Tại Bình Định, chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực, đáng kể nhất là bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tỉnh đã phân bổ kinh phí đầu tư, huy động vốn để trùng tu, tôn tạo nhiều công trình, di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng - kháng chiến, tiêu biểu nhất là đầu tư 27,8 tỷ đồng xây dựng khu di tích Chi bộ Hồng Lĩnh (thị xã An Nhơn).
Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, nhất là 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (võ cổ truyền, tuồng, bài chòi). Bình Định đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và tham gia bảo vệ hồ sơ Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam, được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2017. Hội đánh bài chòi cổ Bình Định đang lan rộng, ở nhiều địa phương trong tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy di sản bài chòi Trung Bộ...
Đặc biệt, Đề án bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016 – 2020, cũng đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả. Đề án đặt ra mục tiêu tiếp tục xây dựng và phát triển bộ môn võ cổ truyền Bình Định nhằm góp phần nâng cao vị thế thể thao của tỉnh trong nước và quốc tế; đồng thời phát huy mạnh mẽ phong trào tập luyện ở cơ sở để phát hiện tài năng thể thao, tạo nền móng vững chắc bảo đảm tính kế thừa cho đội tuyển trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS miền núi ở Bình Định cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là Chương trình trao tặng 119 bộ cồng chiêng cho 119 làng đồng bào DTTS; Liên hoan Văn hóa cồng chiêng các DTTS tỉnh lần thứ thứ I - năm 2019. Bà Đinh Thị Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Liên (huyện Vân Canh) chia sẻ niềm vui: “Ở 8 làng của xã trước đây còn những bộ cồng chiêng cũ, sử dụng lâu năm nên có cái hư hỏng. Bà con vui lắm khi tỉnh tặng cho mỗi làng một bộ cồng chiêng mới, để tiếng cồng chiêng vang vọng trong những dịp lễ hội”.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định: “Thông qua các lễ hội văn hóa, các buổi sinh hoạt cồng chiêng, chúng ta có thể bảo tồn những giá trị văn hóa với bản sắc riêng của mỗi dân tộc, truyền đạt tốt hơn cho thế hệ trẻ về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đời sống tinh thần được nâng cao sẽ giúp bà con ổn định cuộc sống, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương, phát triển kinh tế”.
Thông qua các lễ hội văn hóa, các buổi sinh hoạt cồng chiêng, chúng ta có thể bảo tồn những giá trị văn hóa với bản sắc riêng của mỗi dân tộc, truyền đạt tốt hơn cho thế hệ trẻ về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đời sống tinh thần được nâng cao sẽ giúp bà con ổn định cuộc sống, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương, phát triển kinh tế”.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định