Biến đất đồi thành ruộng bậc thang
Trước khi trở thành các thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, cánh đồng Bơ Nan từng là khu vực đồi dốc, đất đá lởm chởm, quanh năm người dân chỉ trồng cây chuối, cây mì. Đất cằn cộng với phương thức canh tác lạc hậu nên năng suất cây trồng đạt thấp, phần lớn dân làng vẫn nghèo đói.
Với mong muốn gia đình nào cũng có ruộng để trồng lúa, quanh năm có đủ gạo ăn, năm 1999, Trưởng thôn Đôih đã quyết định biến khu đất đồi dốc thành ruộng lúa. Đầu tiên, ông nghĩ đến việc đào mương, dẫn nước từ suối Đak Nol về. Tuy nhiên, quyết định này lại không được dân làng ủng hộ, ngay cả người thân, vì tất thảy đều cho rằng: Nước suối ở dưới thấp sao có thể chảy ngược lên cao?
Biết có giải thích thì dân làng cũng khó tin, trừ khi họ phải tận “mục sở thị” nên ông dành nhiều ngày mày mò nghiên cứu. Gần 1 tháng mất ăn, mất ngủ, cuối cùng ông cũng phác thảo đường đi của mương nước và bắt tay vào thực hiện. “Nước không thể chảy ngược nên mình cứ nương theo dòng chảy để đào. Hơi vòng vèo nhưng phải thử mới biết được. Mình đào đến ngày thứ 3 thì nước bắt đầu chảy theo. Lúc này, cha mình mới tin và 6 người có đất ở khu vực đồi cũng cầm cuốc khơi mương. Rồi thêm 2 người, 3 người… Cứ thế, các hộ dân có đất ở đây đều hợp sức lại đào mương dẫn nước. Chừng 1 tháng sau thì mương nước dài gần 1 km hoàn thành”, già Đôih kể lại.
Do địa hình quá dốc trong khi con mương nhỏ hẹp, nên nước chưa kịp thấm đã trôi hết xuống thung sâu. Ông Đôih lại tiên phong đi gom đá, đắp thành bờ ruộng cao theo hình vòng cung để giữ nước rồi mới tiến hành gieo trồng. Học ông, nhiều hộ dân cũng làm theo. Sau 5 năm, cánh đồng Bơ Nan hình thành, cây lúa nước hoàn toàn thay thế cây mì, cây chuối. Hiện có khoảng 80 hộ dân làng Bot Grek trồng lúa nước 2 vụ tại đây.
Ông Đôih phấn khởi chia sẻ: “Mương được nạo vét thường xuyên nên rộng và sâu. Bờ ruộng cũng được bà con đắp cao và tu sửa chắc chắn. Có thêm cánh đồng này, bà con không còn ai thiếu đói nữa, mình cũng mừng vì đã giúp được dân làng”.
Đang canh tác 1 sào lúa nước tại cánh đồng Bơ Nan, chị Hoanh bộc bạch: “Từ tháng 5 đến tháng 11, mình trồng giống lúa địa phương. Giống lúa này chỉ thu được 7 - 8 bao/vụ nhưng cơm mềm và thơm. Sau khi thu hoạch, mình làm đất để tháng 12 gieo trồng vụ mới, giống lúa năng suất hơn 12 - 13 bao/vụ. Nhờ có già Đôih mà dân làng Bot Grek có đất trồng lúa nước và hầu hết đều đủ ăn”.
“Thủ lĩnh” của làng
Năm 2006, ông Đôih thôi làm Trưởng thôn và đảm nhận vai trò già làng. Là trung tâm đoàn kết của cộng đồng, già tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, đời sống; mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; chủ động chuyển đổi diện tích cây trồng kém năng suất sang trồng cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả…
Đặc biệt, với uy tín của mình, già đã tham gia hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn trong cộng đồng, gia đình. Có những vụ mâu thuẫn xuất phát từ quan niệm lạc hậu nhưng cũng có vụ phát sinh ngay trong cuộc sống mới.
“Một số ông chồng đòi thôi vợ hết sức vô lý. Có ông chê vợ không đẹp như mấy cô trên mạng. Có ông lại chê vợ không biết nói lời hay như người ta. Toàn lý do linh tinh mà thành to chuyện”, già Đôih cho hay. Nắm rõ sự việc, nên già dùng hiểu biết, lời lẽ phân tích, giải thích để đôi bên hiểu rõ vấn đề, tự nguyện quay về với nhau. Anh Thuân cho biết: “Già Đôih nói đúng, làm đúng nên dân làng luôn tin và nghe theo. Già nói bà con phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để có cuộc sống đầy đủ hơn”.
Ông Nguyễn Duy Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Hnol nhận xét: “Già Đôih có công rất lớn trong việc tuyên truyền, vận động để hình thành nên cánh đồng Bơ Nan, góp phần mang lại cuộc sống ổn định cho người dân. Gần 80 tuổi, nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn, phát huy vai trò trung tâm đoàn kết, vận động người dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thi đua lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo”./.