Những năm trước đây vào dịp Hè, những đứa trẻ vùng cao thường lên nương rẫy, đi xúc cá, chạy chợ… Năm nay, do tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, nên đa phần các em chỉ quanh quẩn ở nhà phụ giúp bố mẹ việc nhà. Vì thế, thời gian rảnh các em thêu váy thuê để kiếm tiền mua sách vở và quần áo chuẩn bị cho năm học mới. Đó là những hình ảnh không khó để bắt gặp khi đến các bản làng vùng cao trong thời gian này.
Em Quang Thị Yên (13 tuổi), ở bản Đàng, xã Nga My, huyện Tương Dương hoàn cảnh gia đình khó khăn. Em dành hầu như toàn bộ thời gian nghỉ Hè để thêu váy thuê kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Yên cho biết “Dịp Hè, cháu thường dành thời gian để phụ giúp bố mẹ. Các năm học trước, chúng cháu hay rủ nhau đi lên rừng hái măng, lấy củi, tối về mới ngồi thêu váy… Nhưng năm nay có dịch bệnh Covid-19 nên bố mẹ không cho đi rừng nữa. Tranh thủ thời gian ở nhà để phòng tránh dịch, cháu thêu váy lấy tiền phụ giúp bố mẹ. Không chỉ mỗi cháu, mà nhiều bạn ở trong bản Đàng này cũng ở nhà thêu váy để vừa có thêm thu nhập, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19”.
Đang ngồi cần mẫn thêu từng sợi chỉ màu lên chân váy, Lương Thị Lệ Quyên ở bản Đàng, xã Nga My chia sẻ, năm nay cháu mới 10 tuổi nhưng đã biết thêu váy cách đây 3 năm. Quyên được bà nội dạy thêu từ năm học lớp 2. Thời gian trước, khi chưa xảy ra dịch bệnh, Quyên cùng các bạn thường tụ tập tại nhà một bạn nào đó để cùng thêu với nhau cho vui. Từ ngày có dịch Covid-19, không được tập trung đông người, nên Quyên thêu váy ở nhà. Quyên cho biết: “Để hoàn thành 1 chiếc chân váy, cháu phải thêu trong vòng 4 - 6 ngày. Công thêu mỗi chân váy được 90.000 - 130.000 đồng tùy theo theo tính phức tạp và kích thước chân váy. Thêu là sở thích của cháu, nên cháu ngồi thêu cả ngày mà không chán”, Quyên chia sẻ.
Thêu thùa không chỉ đơn thuần là tạo ra những bộ trang phục để sử dụng hằng ngày, hay dùng để trao đổi hàng hóa, mà còn là cách để bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Để giữ nghề, giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, nhiều năm qua, các bậc phụ huynh rất chú trọng đến việc trao truyền nghề dệt thổ cẩm và thêu thổ cẩm cho con cháu.