Từ nguồn vốn Chương MTQG 1719, hạ tầng vùng DTTS và miền núi xứ Thanh được đầu tư ngày càng hoàn thiệnNhiều kết quả tích cực
Theo báo cáo của Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thanh Hóa, tổng ngân sách nhà nước đã giải ngân trong giai đoạn 2021-2024 đạt trên 1,46 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 853 tỷ đồng dành cho đầu tư phát triển (đạt 75% kế hoạch) và trên 611 tỷ đồng vốn sự nghiệp (đạt 37% kế hoạch). Tỷ lệ giải ngân khá cao so với các địa phương khác trong cả nước.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương, các dự án thành phần đã được triển khai đồng bộ. Hạ tầng cơ sở ở khu vực miền núi có nhiều cải thiện đáng kể, với 100% thôn, bản có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã, hệ thống điện lưới quốc gia được mở rộng, các trạm y tế và trường học được đầu tư xây dựng kiên cố. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 8,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 44,39 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề và thúc đẩy mô hình liên kết sản xuất đã giúp người dân chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang mô hình kinh tế bền vững. Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, cho biết: “Việc triển khai Chương trình MTQG 1719 luôn đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, tập trung vào các nội dung hỗ trợ thiết yếu phù hợp với nguyện vọng của người dân”.
Ngoài các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, Thanh Hóa còn chú trọng đến công tác giáo dục và chăm sóc y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống trường nội trú, bán trú được mở rộng, giúp học sinh vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận giáo dục tốt hơn. Các chương trình khám chữa bệnh miễn phí, cấp phát thuốc cho hộ nghèo đã góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng. Nhiều địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng quản lý tài chính, khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số, giúp họ tự tin vươn lên làm giàu.
Thanh Hoá quan tâm đầu tư đảm bảo nguồn nước sạch khu vực nông thôn, miền núi Vẫn còn những vướng mắc
Dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng Thanh Hóa vẫn đối diện với không ít khó khăn trong thực hiện Chương trình MTQG 1719. Theo đánh giá, 19 chỉ tiêu giai đoạn I của Chương trình dự kiến hoàn thành trong năm 2025, tuy nhiên vẫn còn 4 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch, bao gồm: Số xã, thôn, bản thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người; tỷ lệ học sinh THPT đến trường và một số chỉ tiêu khác về phát triển dân sinh.
Một số bất cập trong cơ chế, chính sách cũng gây ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện Chương trình. Chẳng hạn, định mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ trong Dự án 1 về hỗ trợ đất ở là quá thấp so với thực tế, khiến nhiều hộ dân không thể thực hiện các thủ tục mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Một số địa phương đã phải hoàn trả ngân sách do người dân từ chối nhận hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9 về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các dân tộc còn gặp khó khăn đặc thù vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ Trung ương, gây vướng mắc trong triển khai. Ngoài ra, một số địa phương gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đối ứng từ các doanh nghiệp.
Thêm vào đó, trình độ lao động còn hạn chế khiến việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm vẫn còn cao, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế.
Nhiều chính sách ưu tiên của Nhà nước đã phát huy được nội lực, tinh thần vượt khó để vươn lên thoát nghèo của người dân vùng khó ở xứ ThanhLinh hoạt giải pháp nâng cao hiệu quả Chương trình
Để đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ những vướng mắc còn tồn đọng. Đồng thời, tỉnh cũng đang tập trung nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong triển khai Chương trình.
Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thanh Hóa Lê Minh Hành nhấn mạnh: “Bên cạnh việc huy động các nguồn lực đầu tư, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, khuyến khích họ tự chủ trong phát triển kinh tế. Đây sẽ là yếu tố quyết định đến sự bền vững của Chương trình”.
Điển hình như tại xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa, nhiều hộ dân đã chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, liên kết theo mô hình hợp tác xã để mở rộng thị trường. Ông Lò Văn Bình, một hộ dân trong xã, chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh. Nay nhờ được hỗ trợ kỹ thuật và vốn vay ưu đãi, gia đình tôi đã phát triển mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, thu nhập ổn định hơn nhiều”.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và thương mại, giúp sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Các chương trình đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động cũng được triển khai, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, tỉnh đang xem xét mô hình hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm tạo thêm động lực phát triển kinh tế địa phương. Việc kết nối các doanh nghiệp với hợp tác xã nông nghiệp, cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Nguồn lực thực hiện Dự án 6, “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MQTG 1719 đã góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTSChương trình MTQG 1719 tại Thanh Hóa đã mang lại những kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2030, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và quan trọng nhất là sự tham gia chủ động của người dân.
Với những giải pháp đồng bộ và tinh thần quyết tâm cao, Thanh Hóa kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được những bước tiến vững chắc trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi.