Hội thảo có sự tham gia của các cán bộ lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở, như: PGs.Ts.Bs Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế; Ts.Bs. Huỳnh Nam Phương - Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo Dinh dưỡng và Thực phẩm; Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa Đỗ Thái Hòa; Giám đốc CDC tỉnh Thanh Hóa Hoàng Bình Yên; lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương, cùng gần 200 cán bộ y tế từ 27 huyện/ thị xã/ thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hội thảo đã triển khai hướng dẫn xây dựng kế hoạch cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững năm 2024; hướng dẫn các quy định về tài chính trong triển khai các hoạt động dinh dưỡng thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; hướng dẫn thực hiện triển khai các hoạt động dinh dưỡng...
Hội thảo được PGs.Ts.Bs. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng đánh giá là cơ hội có một không hai, có thể trở thành hội thảo kiểu mẫu cho các tỉnh/thành phố khác trên cả nước học hỏi và rút kinh nghiệm về hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời và trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 2 tuổi.
Trong chương trình Hội thảo, các đại biểu còn được tham quan, tìm hiểu về gian hàng dinh dưỡng, các thực phẩm bảo vệ sức khỏe được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế chứng nhận có đủ điều kiện an toàn thực phẩm...
Báo cáo công tác triển khai tại Hội thảo, đại diện UBND huyện Mường Lát cho biết: Mường Lát là huyện vùng cao biên giới, nằm tận cùng phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa. Toàn huyện có 6 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm phần đa. Huyện nằm trong danh sách 74 huyện nghèo được phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025, trên địa bàn huyện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh. Việc thực hiện nội dung “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện diễn ra thuận lợi, rộng khắp và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại việc chưa đồng bộ các chương trình, triển khai chồng chéo, mua sắm trang thiết bị phục vụ chuyên môn còn gặp nhiều vướng mắc... Đại biểu cũng cho biết mong muốn thời gian tới Sở Y tế và các sở, ban, ngành chuyên môn cấp tỉnh quan tâm, hỗ trợ công tác triển khai và tổ chức thực hiện của dự án; xây dựng kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực và hướng dẫn chuyên môn về tổ chức triển khai các hoạt động.
Đại biểu thành phố Thanh Hóa trao đổi: Đây là hoạt động nhân văn, bởi đối tượng được thụ hưởng là những người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2023, thành phố đã tổ chức thực hiện dự án này và giao cho Trung tâm y tế (TTYT) triển khai với kinh phí 443 triệu đồng, đồng thời tổ chức 6 lớp tập huấn cho cán bộ dinh dưỡng trên địa bàn thành phố.
Với vai trò đồng hành và kết hợp cùng Sở Y tế, CDC Thanh Hóa đem đến các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cho trẻ em nghèo, trẻ em vùng DTTS bị suy dinh dưỡng và chậm phát triển, ông Phùng Trung Đức - Giám đốc vận hành Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khai Tuệ chia sẻ: Khai Tuệ đã đồng hành cùng UBND tỉnh Thanh Hóa trong rất nhiều chương trình an sinh xã hội từ thời điểm dịch Covid-19. Thấu hiểu được những khó khăn, vướng mắc các địa phương đang gặp phải trong quá trình triển khai Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, Công ty đã kết hợp đồng hành, hỗ trợ dự án này. Đồng thời, cũng đóng vai trò giám sát, đánh giá hiệu quả của Chương trình để bảo đảm các mục tiêu đề ra được thực hiện một cách hiệu quả nhất.
"Chúng tôi hy vọng Chương trình sẽ không chỉ giải quyết vấn đề tạm thời, mà còn hướng tới các giải pháp phát triển bền vững, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và sinh kế cho đồng bào DTTS và vùng núi một cách lâu dài", ông Phùng Trung Đức nhấn mạnh.
Qua quá trình làm việc nghiêm túc, trao đổi sát sao dưới sự điều hành của lãnh đạo Viện Dinh dưỡng, Sở Y tế Thanh Hóa, Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Bên cạnh việc rút kinh nghiệm và tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua, Hội thảo còn cung cấp thêm kiến thức cho các cán bộ, nhân viên y tế, các đối tượng có liên quan; củng cố lại quy trình thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, cải thiện cuộc sống cho người dân.