Cháu Hồ Đức Phước (4 tuổi), thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa bị suy dinh dưỡng, thấp còi độ 2, cơ thể suy nhược hay đau ốm, bệnh tật. Được sự hỗ trợ của Dự án từ tháng 9/2023, thông qua việc hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng và thay đổi phương pháp chăm sóc từ gia đình, đến nay, cháu đã thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, phát triển cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất lẫn trí tuệ.
Chị Hồ Thị Thỉ, mẹ của Phước cho biết, gia đình chị có 4 người con. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên từ trước đến nay gia đình chị Thỉ nuôi theo kiểu tự nhiên, bố mẹ ăn gì con ăn nấy. Phước là bé thứ 3, cháu bị suy dinh dưỡng độ 2, người gầy còm, ốm yếu hay đau vặt. Gia đình thương cháu nhưng không biết làm cách nào để cải thiện. Rất may là cháu được sự hỗ trợ của Dự án “Phục hồi dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi”.
"Ở trên lớp cháu được ăn chế độ riêng phù hợp với thể trạng. Tôi cũng được cán bộ dự án chia sẻ về các phương pháp phối hợp các nhóm thức ăn, cách chăm sóc vệ sinh đúng, tìm hiểu về thông tin dinh dưỡng để áp dụng cho việc chăm sóc con của mình. Đến nay, cháu đã thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, tôi rất vui và mong rằng sẽ có thêm nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng như con tôi được hỗ trợ trong thời gian tới", chị Hồ Thị Thỉ nói.
Cũng như trường hợp của Phước, em Hồ Văn Tuân (4 tuổi), thôn Ra Ly Rào, xã Hướng Linh từ chỗ thấp còi, được sự hỗ trợ của Dự án, đến nay đã tăng được 2kg, thoát khỏi thể suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân. Đây là 2 trong số 885 trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân được Dự án “Phục hồi dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi” hỗ trợ. Dự án được thực hiện tại 6 trường mầm non của 6 xã trên địa bàn Hướng Hóa và 6 trường mầm non của 5 xã tại Đakrông. Các cháu bị suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân sẽ được hỗ trợ tiền ăn là 14.000 đồng/ngày. Thực đơn riêng với những bữa ăn dinh dưỡng được giáo viên, cán bộ y tế các thôn bản và các bậc phụ huynh thực hiện theo phác đồ dinh dưỡng.
Dự án “Phục hồi dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi” sẽ thực hiện thành lập các Trung tâm phục hồi dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi tại các trường và điểm trường mầm non; trong đó, thành phần chính gồm: Các giáo viên mầm non, nhân viên nấu ăn, phụ huynh học sinh, cán bộ dự án. Trung tâm phục hồi dinh dưỡng sẽ tổ chức nấu các bữa ăn dinh dưỡng cho các cháu theo bảng thực đơn riêng phù hợp với thể trạng của trẻ. Quá trình chế biến sẽ có 2 - 3 phụ huynh cùng tham gia trong việc nấu ăn cùng với cô nuôi.
Tại đây, nhân viên nấu ăn sẽ hướng dẫn các phụ huynh biết cách chế biến các thực đơn nhằm giúp phụ huynh hiểu rõ các bước thực hiện để áp dụng tại hộ gia đình. Trẻ cũng được hỗ trợ vi chất nhằm tăng cường khả năng hấp thu và cải thiện dinh dưỡng. Để hỗ trợ sinh kế bền vững cho gia đình trẻ bị suy dinh dưỡng có thêm điều kiện phát triển kinh tế, chăm sóc con cái, Dự án đã hỗ trợ thêm cây giống, vật nuôi cho các hộ gia đình khó khăn…
Tại Trường Mầm non Hướng Phùng, năm học 2023 - 2024 có 364 học sinh ở 8 điểm trường, hơn 60% học sinh của Trường thuộc đồng bào DTTS Pa Kô, Vân Kiều. Để hỗ trợ cho những học sinh bị suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân, trong năm học 2022 - 2023, Trường có 16 trẻ và năm học 2023 - 2024 có 24 trẻ được Dự án hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng riêng.
Bà Nguyễn Thanh Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Phùng cho biết: Các cháu được hỗ trợ về tiền ăn, thực đơn riêng, vi chất dinh dưỡng dành cho trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân. Bên cạnh đó, gia đình các trẻ cũng được hỗ trợ gà giống, trang bị kiến thức, kĩ năng chăm sóc cũng như thực đơn riêng để chăm sóc con ở nhà sao cho phù hợp. Qua quá trình thực hiện đến nay, bước đầu Dự án “Phục hồi dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi” đã mang lại hiệu quả. Một số trẻ đã thoát khỏi suy dinh dưỡng, phụ huynh quan tâm hơn đến sức khỏe và chế độ ăn của trẻ.
Dự án “Phục hồi dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi” được triển khai đã mang lại những đổi thay tích cực trong việc thực hành dinh dưỡng và chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi ở vùng khó. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cho biết, tính đến nay, Dự án “Phục hồi dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi” đã và đang đạt được những kết quả tích cực thông qua các hoạt động tập huấn cho giáo viên và phụ huynh các kiến thức cơ bản như: Xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp; tháp dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng; phương pháp chăm sóc trẻ ở nhà khi trẻ ốm; cách vệ sinh cá nhân trẻ, cách chế biến món ăn cho trẻ ở nhà… Đến nay, chỉ tính riêng năm học 2023 - 2024, đã có 126/150 trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi nhẹ cân tăng từ 400g trở lên.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, đây thực sự là chương trình có ý nghĩa thiết thực đối với trẻ, gia đình và nhà trường; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Dự án cũng đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của phụ huynh trong cách chăm sóc và giáo dục để trẻ phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần.