Ba gánh nặng về dinh dưỡng
Theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững (tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 33,8% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và tỷ lệ này chỉ còn 11,6% năm 2020). Việt Nam đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; bên cạnh đó, tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi chất dinh dưỡng khác ngày càng được cải thiện; kiến thức và thực hành dinh dưỡng của người dân ngày càng được nâng cao…
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng (tình trạng suy dinh dưỡng đồng thời cùng tồn tại với thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì). Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao, nhất là ở những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo số liệu Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2020 là 19,6%, có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng miền núi so với thành thị và nông thôn. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020.
PGS.TS.Bác sĩ Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em, khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động khi trưởng thành.
Nguyên nhân là các bà mẹ chưa có kiến thức, hiểu biết đầy đủ về tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ. Nhất là tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều ông bố bà mẹ chưa biết tận dụng nguồn thực phẩm sẵn có để chế biến bữa ăn, tô màu bát bột cho trẻ. Mặc dù đã được tuyên truyền, hướng dẫn song khoảng cách từ nhận thức đến thực hành vẫn còn khá xa.
Theo bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng theo vòng đời từ giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ lứa tuổi học đường, trẻ vị thành niên, người trưởng thành, và người cao tuổi là đặc biệt quan trọng trong phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc của người Việt Nam. Do vậy, cần nâng cao nhận thức về vai trò dinh dưỡng hợp lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân; các Bộ ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác dinh dưỡng.
Nâng cao nhận thức về phòng chống SDD và thiếu vi chất dinh dưỡng
Triển khai thực hiện Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi), Bộ Y tế đã triển khai triển khai nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức về phòng chống suy dinh dưỡng, triển khai các mô hình chăm sóc 1.000 ngày đầu đời tại các khu vực đồng bào DTTS và miền núi.
Theo ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ, Trẻ em: Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2869/QĐ-BYT ngày 13/07/2023 của ban hành Hướng dẫn triển khai mô hình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; Tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai mô hình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho cán bộ tuyến tỉnh của 39 tỉnh/thành phố tại Hà Giang và Thừa Thiên Huế; Triển khai mô hình điểm về Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại 2 tỉnh Lào Cai và Đắk Lắk.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Dự án, đã tổ chức "Tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ trẻ em", tổ chức 05 lớp tập huấn cán bộ tuyến tỉnh về kỹ năng truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho 39 tỉnh thuộc chương trình; Triển khai thí điểm 02 mô hình góc truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em dựa vào cộng đồng tại Hà Giang…
Theo ông Đinh Anh Tuấn, hiện nay Bộ đang triển khai thực hiện thí điểm mô hình góc truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại trường phổ thông dân tộc nội trú tại Đắk Nông. Xây dựng các thông điệp truyền thông và hướng dẫn địa phương triển khai các hoạt động hưởng ứng chiến dịch truyền thông trong ngày Vi chất dinh dưỡng.
Tập huấn được 566 cán bộ tuyến huyện, 2.870 cán bộ tuyến xã làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, 8.456 y tế thôn bản được tập huấn về chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 đầu đời; 311 mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời được triển khai tại các xã khu vực III; Hơn 79.000 phụ nữ mang thai được bổ sung viên sắt, 1469 trẻ suy dinh từ 6-23 tháng dưỡng được nhận bổ sung gói đa vi chất.
Với sự vào cuộc của các ngành các cấp từ địa phương đến cơ sở, đặc biệt là nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi sẽ góp phần nâng cao nhận thức về phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc thể lực cho đồng bào DTTS và miền núi.