Kỳ vọng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia
Ngày 5/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Chiến lược). Một trong những mục tiêu của Chiến lược là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi khu vực miền núi xuống dưới 28% vào năm 2025 và dưới 23% vào năm 2030.
Với việc Chiến lược yêu cầu đưa chỉ tiêu giảm SDD thấp còi là một trong các chỉ tiêu phát triển KT-XH của quốc gia và các địa phương thì giải quyết tình trạng SDD trẻ em đã không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành Y tế mà có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Đồng thời, nguồn lực để thực hiện mục tiêu này có sự lồng ghép chặt chẽ với các chương trình liên quan đến dinh dưỡng như: Nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giáo dục, phúc lợi xã hội, nước sạch vệ sinh môi trường…
Theo PGs.Ts. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), để đạt mục tiêu của Chiến lược, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường lồng ghép triển khai các hoạt động liên quan đến dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em trong các chương trình, đề án đang thực hiện, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời chú trọng công tác truyền thông, nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi trong chăm sóc phụ nữ và trẻ em, đặc biệt chăm sóc dinh dưỡng trẻ 1.000 ngày đầu đời.
Một trong những giải pháp được kỳ vọng cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em DTTS trong thời gian tới là Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ 2021 - 2025. Trong Chương trình có 4 dự án thành phần trực tiếp thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; bao gồm: Dự án 5: “Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”; Dự án 7: “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”; Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”; Dự án 9: “Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn”.
Ngày 4/3/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 15/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ 2021 - 2025. Theo đó, Điều 44 của Thông tư quy định, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc các DTTS có khó khăn đặc thù được hỗ trợ điều trị SDD cấp tính nặng: Tối đa 3 triệu đồng/trẻ; hỗ trợ bảo đảm bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập tối đa 550.000 đồng/tháng/trẻ. Đây là nguồn lực quan trọng để các địa phương thực hiện các hoạt động nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em DTTS.
“Luật hóa” vấn đề dinh dưỡng
Một vấn đề được các chuyên gia dinh dưỡng cũng như một số đại biểu Quốc hội quan tâm là tình trạng SDD cấp tính nặng đang gây áp lực rất lớn đến sự phát triển KT-XH của đất nước. Bình quân mỗi năm, cả nước có đến 230.000 trẻ em bị SDD cấp tính nặng là thách thức mà Việt Nam cần phải đối mặt; làm thế nào để có thể tìm ra và thực hiện các giải pháp thiết thực, cấp bách để giảm nhanh số trẻ em bị SDD cấp tính nặng này?
Theo đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum), SDD là một bệnh được liệt kê trong Danh mục phân loại bệnh tật quốc tế (ICD-10 và ICD-11) của Tổ chức Y tế Thế giới. Trẻ bị bệnh SDD cấp tính nặng có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ bình thường, đủ dinh dưỡng. Vì vậy, cần có một khung pháp lý cụ thể quy định việc điều trị SDD cấp tính nặng; đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét có quy định cụ thể trong văn bản luật về việc điều trị SDD cấp tính nặng đối với trẻ em.
Đây cũng là quan điểm của đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam khi chia sẻ giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em. Tại buổi công bố bằng chứng toàn cầu về mức độ gia tăng của tình trạng SDD ở trẻ em tổ chức ngày 18/5/2022, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers, cho rằng, Việt Nam đã thiết lập một môi trường thuận lợi cho việc phòng ngừa và điều trị SDD cấp tính nặng, với các cam kết chính trị rõ ràng.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chính sách cũng như nguồn tài chính nào được xác định từ ngân sách Trung ương hoặc địa phương cho các can thiệp quản lý lồng ghép SDD cấp tính, hậu quả là có tới 90% các trẻ bị SDD cấp tính nặng không được điều trị. Vì vậy, Việt Nam cần có một khung pháp lý cụ thể quy định việc điều trị SDD cấp tính nặng.
“Để mở rộng can thiệp này trên phạm vi toàn quốc, cần có một cơ chế cấp kinh phí cho việc quản lý và điều trị trẻ em bị SDD cấp tính nặng. Để tất cả trẻ em SDD cấp tính được điều trị, UNICEF kêu gọi các quốc gia đưa việc điều trị trẻ SDD cấp tính vào bảo hiểm y tế và các ngân sách phát triển dài hạn để tất cả trẻ em có thể được hưởng lợi từ các chương trình điều trị”, bà Rana Flowers cho biết.
Thực tế cho thấy, hiện nguồn lực cho công tác dinh dưỡng tại tuyến cơ sở đang thiếu trầm trọng, khiến chương trình dinh dưỡng không được đặt thành chỉ tiêu phát triển KT-XH của địa phương mà chỉ có theo chương trình, dự án. Hạn chế này cần thết được khắc phục bằng việc “luật hóa” vấn đề dinh dưỡng, từ đó các địa phương có cơ sở pháp lý để xem mục tiêu giải quyết tình trạng SDD ở trẻ em là vấn đề cấp bách, từ đó ưu tiên nguồn lực để thực hiện.
Trong Dự án 7: “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh duỡng trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu: Giảm tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể gầy còm xuống dưới 5%; giảm tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân dưới 15% và giảm tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi dưới 27%.