Sau khi được thả ra, muỗi vằn mang Wolbachia sẽ giao phối với muỗi hoang dã tại địa phương và giúp truyền Wolbachia trong đàn muỗi. Bằng cách này, dần dần nhóm muỗi vằn mang Wolbachia trong tự nhiên sẽ được nhân lên ngày càng nhiều, từ đó sẽ giúp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh nguy hiểm do muỗi vằn.
Theo kế hoạch, việc thả muỗi vằn mang Wolbachia ở TP. Mỹ Tho diễn ra trong 3 tháng liên tiếp với tổng số muỗi dự kiến hàng chục triệu con.
Trứng muỗi vằn chứa Wolbachia sẽ được đóng thành viên nang, mỗi viên khoảng 400 trứng, thả vào những ly nước và treo ở khoảng 2.636 điểm trong khu vực dân cư.
Theo TS Claudi Surjadjaja, Giám dốc Chương trình Muỗi thế giới khu vực châu Á, Thái Bình Dương, sốt xuất huyết là một bệnh nhiệt đới có tốc độ lây lan nhất với 40% dân số thế giới có khả năng bị ảnh hưởng. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, phương pháp Wolbachia là một phương pháp hiệu quả trong việc giảm số ca mắc sốt xuất huyết.
Một thí nghiệm ngẫu nhiên theo tiêu chuẩn vàng được thực hiện ở Yagyakarta (Indonesia) gần đây cho thấy tỉ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết ở các khu vực được thả muỗi vằn Wolbachia giảm 77% so với khu vực không thả muỗi,…
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh nhất thế giới. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận trung bình khoảng 90.000 ca mắc với khoảng 70% số ca ghi nhận ở phía Nam. Đồng thời ước tính hàng năm có hàng trăm ngàn ca không có triệu chứng, không được phát hiện nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác, khiến dịch bệnh khó kiểm soát. Vì vậy, thả muỗi vằn mang Wolbachia là một phương pháp an toàn, tự nhiên và hiệu quả trong việc giảm thiểu sự lây lan các bệnh do muỗi truyền. Đặc biệt các bệnh như sốt xuất huyết, Zika và Chikugunya.