Theo UBND huyện Tây Giang, giai đoạn 2021 - 2023, vốn đầu tư cho Chương trình NTM của huyện được ngân sách bố trí gần 46 tỷ đồng; trong đó vốn cần giải ngân 21,8 tỷ đồng, đến ngày 31/1/2024 giải ngân đạt 71,01%. Vốn sự nghiệp 16 tỷ đồng; trong đó vốn cần giải ngân 9,7 tỷ đồng, đến ngày 31/1/2024 giải ngân đạt 49,15%. Năm 2024, huyện Tây Giang đã phân bổ và giao chủ đầu tư 9 công trình khởi công mới; thanh toán khối lượng cho 15 công trình chuyển tiếp với tổng vốn đầu tư bố trí 10,6 tỷ đồng, trong đó vốn cần giải ngân 15,8 tỷ đồng, đến thời điểm này giải ngân đạt 13,09%.
Ông Nguyễn Văn Lượm – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết: Từ các nguồn vốn trên, địa phương đã lồng ghép thực hiện nhiều chương trình, dự án để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM. Cụ thể, huyện cơ cấu lại ngành nông nghiệp địa phương, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đạt trung bình 13,6 tiêu chí so với đầu năm, tăng 4 tiêu chí.
Có thể nói, từ nguồn lực các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình xây dựng NTM được huyện Tây Giang tích cực triển khai đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi. Trong đó tiêu biểu là thay đổi về hạ tầng và nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng. Nhờ đó, thu nhập bình quân trên người tăng lên 30 triệu đồng/người/năm, tăng 3 triệu so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay huyện còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng NTM, nhất là với tiêu chí về thu nhập và giảm nghèo đa chiều. Trong giai đoạn 2021-2025, đến thời điểm này, hầu hết các xã vẫn chưa hoàn thành tiêu chí số 11 về giảm nghèo đa chiều. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 chỉ có 1 xã hoàn thành tiêu chí này. Hơn nữa, đối với tiêu chí số 10, hiện nay thu nhập bình quân đầu người 30 triệu đồng/năm, mà mục tiêu đề ra là năm 2024 đạt trên 42 triệu đồng/người/năm là rất khó.
Tính đến hiện nay, toàn huyện Tây Giang đạt 137/190 tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới về xây dựng NTM. Cụ thể, đối với 3 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020 là A Nông, A Tiêng và xã Lăng đều "rớt" từ 2- 4 tiêu chí. Cụ thể, cả 3 xã này đều "rớt" chuẩn đối với tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người (tiêu chí 10) và giảm nghèo đa chiều (tiêu chí 11). Ngoài ra, xã A Tiêng còn "rớt" tiêu chí về nhà ở dân cư và tiêu chí về y tế; xã Lăng còn "rớt" tiêu chí về thông tin và truyền thông.
Đối với xã Bhalêê và Axan đăng ký về đích NTM giai đoạn 2021-2025 nhưng đến nay chỉ mới đạt 13, 14 tiêu chí so với Bộ tiêu chí mới. 5 xã còn lại chỉ mới đạt từ 11-13 tiêu chí về chuẩn NTM.
Lý giải cho điều này, lãnh đạo huyện Tây Giang chia sẻ: Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ tiêu chí NTM với nhiều chỉ tiêu, mức đạt chuẩn cao hơn khiến nhiều xã bị "rớt" tiêu chí, khó khăn trong duy trì nâng chuẩn. Hiện nay, hầu hết địa phương gặp vướng trong vấn đề thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều. Ngoài ra, việc duy trì, nâng chuẩn các tiêu chí tại các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020 chưa hiệu quả, dẫn đến một số tiêu chí bị "rớt".
Cùng với đó, nguồn lực đầu tư xây dựng NTM trong giai đoạn 2021 - 2025 chỉ bố trí cho hai xã đăng ký về đích NTM là Bhalêê và Axan. Nguồn vốn hỗ hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 chưa đảm bảo thực hiện các mục tiêu trong xây dựng NTM. Việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình MTQG chưa được quan tâm đúng mức, chưa thật sự gắn với các tiêu chí NTM để đảm bảo chuẩn theo lộ trình đề ra. Vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản ở xã, huyện cũng là bài toán nan giải của địa phương…
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, hiện nay một số địa phương chưa tích cực chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí NTM và chưa thực sự phát huy hết nội lực trong Nhân dân. Đối với các thôn xây dựng NTM kiểu mẫu, do nguồn vốn được bố trí giai đoạn 2016-2020 chủ yếu đầu tư vào các hạng mục công trình như điện, đường, mương thoát nước…nên các tiêu chí còn lại (tiêu chí mềm) rất khó thực hiện để đạt chuẩn NTM giai đoạn đoạn 2021-2025.
“Để chương trình xây dựng NTM đạt hiệu quả hơn, cần có phương án lồng ghép hiệu quả nguồn kinh phí từ các chương trình MTQG và các nguồn vốn khác để thực hiện các dự án phát triển sản xuất, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án liên kết chuỗi giá trị, các dự án cộng đồng nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo. Địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia xây dựng NTM một cách quyết liệt hơn, trong đó cần vận động để người dân thực sự là chủ thể của quá trình xây dựng NTM.
Huyện đặt mục tiêu đến cuối năm 2024 tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 46,7%, thu nhập bình quân tăng 1,5 lần so với năm 2023. Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM thì duy trì và nâng chuẩn lên đạt 17-18 tiêu chí so với Bộ tiêu chí mới vào cuối năm nay”, ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nhấn mạnh.