Tăng trưởng bao trùm nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững trên cơ sở tạo cơ hội cho tất cả đối tượng khác nhau. Tăng trưởng bao trùm sẽ tạo điều kiện cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi phát triển công bằng và hòa nhập.
Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn lực ngân sách Trung ương dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 41 nghìn tỷ đồng. Trong hai năm 2016-2017, nguồn vốn từ các chương trình này đã hỗ trợ đầu tư gần 2.000 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của Việt Nam giảm còn dưới 7% (giảm 1,3% so với cuối năm 2016). Trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40%; bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu vùng DTTS và miền núi giảm khoảng 3-4% so với năm 2016. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, vùng đồng bào DTTS, miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo DTTS vẫn còn rất cao (53 DTTS ở Việt Nam chiếm 14,2% dân số cả nước nhưng lại chiếm tới 51,86% tổng số người nghèo).
Theo đánh giá gần đây nhất của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), Việt Nam đã đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm số người bị đói từ 46,9% giai đoạn 1990-1992 xuống còn 9% trong giai đoạn 2010-2012, đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ 1.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng cho biết, tăng trưởng bao trùm là một vấn đề ưu tiên của tất cả các nền kinh tế. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Hơn 30 năm đổi mới đã mang lại cho Việt Nam những thành tựu quan trọng về kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đương đầu với sự gia tăng bất bình đẳng. Do đó, Việt Nam đã và đang quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, vì người dân và doanh nghiệp. Là chủ nhà của năm APEC 2017, Việt Nam cũng đã đưa ra ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Trong đó chú trọng giải quyết những vấn đề đang tồn tại ở các nước thành viên như: giảm nghèo bền vững, hỗ trợ đối tượng yếu thế, trong đó có đồng bào DTTS…
Có thể thấy tăng trưởng bao trùm đã và đang được tất cả các nền kinh tế quan tâm. Không chỉ APEC mà chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada tới đây sẽ tập trung vào 5 chủ đề, bao gồm: Đầu tư vào tăng trưởng phù hợp với mọi người; chuẩn bị cho công việc của tương lai; tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đại dương và sử dụng năng lượng sạch; xây dựng một thế giới yên bình và an toàn hơn.
Ông Hà Việt Quân, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Dân tộc chia sẻ: Có thể thấy, một trong 5 vấn đề được Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada tới đây ưu tiên đó là tăng trưởng bao trùm. Tăng trưởng bao trùm hướng đến tăng trưởng bền vững trên cơ sở tạo cơ hội cho tất cả đối tượng khác nhau, sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi, tạo điều kiện cho vùng này phát triển công bằng và hòa nhập.
Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra cho biết, tăng trưởng bao trùm là một trọng tâm của Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp quốc, phản ánh nguyên tắc “không bỏ ai lại phía sau” và tầm nhìn của Liên Hợp quốc về “xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng, bao dung, cởi mở và bao trùm về xã hội, trong đó mọi nhu cầu của những đối tượng dễ bị tổn thương nhất đều được đáp ứng. Tại Việt Nam, trong vài thập niên qua, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách xóa đói, giảm nghèo ở vùng DTTS nhưng vùng này vẫn là vùng nghèo. Vì vậy tăng trưởng bao trùm và bền vững là một ưu tiên quan trọng, cần thiết đối với Việt Nam cũng như bất kỳ nền kinh tế nào.
Các chuyên gia kiến nghị, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số biện pháp trọng tâm để thực hiện tăng trưởng bao trùm. Theo đó, tiếp tục tập trung tạo dựng thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo. Phát huy các cực tăng trưởng; bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội. Phát triển bền vững về môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Bảo vệ sinh kế của người dân bằng cách nâng cao thu nhập tại những vùng khó khăn, vùng DTTS và miền núi. Việt Nam cần có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, như: phụ nữ, người DTTS, người khuyết tật, để “không ai bị bỏ lại phía sau”...
Nhận lời mời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada từ ngày 8-10/6/2018. Đây là lần thứ hai Việt Nam tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng với tư cách khách mời. Tăng trưởng bao trùm tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi là một nội dung trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. *Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến sẽ tham gia Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
THANH HUYỀN