Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp; bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên hiệp Quốc tại Việt Nam; Đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và một số tổ chức quốc tế.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong nhiều năm qua, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác cấp nước sạch nông thôn, để đạt được mục tiêu này, xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống tổ chức quản lý nhà nước, triển khai thực hiện các chương trình, dự án cụ thể ở nhiều cấp độ khác nhau, cấp quốc gia, vùng, khu vực nông thôn trên toàn quốc.
Đến nay, hệ thống chính sách đang dần được hoàn thiện, năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao, cơ sở hạ tầng cấp nước nông thôn ngày càng mở rộng quy mô và hiện đại, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch ngày càng tăng, tổ chức và năng lực quản lý khai thác và cung cấp dịch vụ cấp nước ngày càng chuyên nghiệp, ý thức và nhu cầu của người dân về sử dụng nước sạch, tiết kiệm và chi trả dịch vụ cấp nước ngày càng được nâng lên, nhiều đơn vị cấp nước đã tự chủ về chi thường xuyên, một số đã tự chủ cả về đầu tư.
Tính đến hết năm 2023, toàn quốc đã đưa vào khai thác khoảng 18.000 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung với hơn 219 công trình cấp nước tập trung quy mô liên xã, trong đó có 116 công trình có công suất từ 5.000 m3/ngày đêm, đảm bảo cấp nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung cho khoảng 55% dân số nông thôn, 94% các trường học. Các hộ gia đình chưa được cấp nước tập trung đã được hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và hướng dẫn các biện pháp thu, trữ, xử lý nước an toàn cho mục đích sinh hoạt.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm và bài học trong ứng dụng công nghệ và chuyến đổi số trong quản lý khai thác và cung ứng dịch vụ cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; thúc đẩy xã hội hóa công tác cấp nước sinh hoạt nông thôn, khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp; thực trạng quản lý khai thác tài sản công công trình cấp nước - nông thôn tập trung, khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, các bộ, ngành Trung ương: Xem xét, rà soát, điều chỉnh các quy định hiện có, xây dựng chính sách mới liên quan, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển cấp nước sinh hoạt nông thôn bền vững như các quy định về khai thác và sử dụng tài nguyên nước, tiêu chuẩn chất lượng nước, cơ chế giá và bù giá,..; tăng cường bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án ODA cho phát triển cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Bộ NN&PTNT tập trung, phối hợp với Bộ Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hỗ trợ nguồn lực cho phát triển cấp nước sạch nông thôn, trong đó ưu tiên giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt tại các vùng, khu vực khan hiếm nguồn nước, vùng ô nhiễm, vùng đồng bào dân tộc, biên giới và hải đảo.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân các tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn và chất lượng dịch vụ cấp nước sạch của các đơn vị cấp nước trên địa bàn; huy động, lồng ghép nguồn lực, thúc đẩy xã hội hóa thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cấp nước sạch nông thôn; ưu tiên nâng cấp sửa chữa, cải tạo và mở rộng các hệ thống công trình cấp nước hiện có, đầu tư công trình cấp nước tập trung quy mô lớn, đồng bộ, gắn với quản lý khai thác vận hành sau đầu tư đảm bảo hiệu quả, bền vững.