Nhớ mãi Trà Leng (Phóng viên Nguyễn Thanh Hải)
Lên đường bằng đam mê với nghề, trách nhiệm của tuổi trẻ, của người cầm bút, sau chặng đường hơn 700km xuất phát từ Nghệ An, tôi có mặt tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bắc Trà My vào xẩm tối ngày 30/10/2020. Đây là Sở Chỉ huy tiền phương triển khai công tác cứu hộ cứu nạn ở điểm sạt lở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Đợt mưa lũ cuối tháng 10 khiến huyện miền Tây Quảng Nam chìm trong đau thương, tang tóc…
Vượt qua hàng chục km đường rừng từ thị trấn Bắc Trà My vào thôn 1, xã Trà Leng, tôi mới thấy rằng, thiên tai quá đỗi khủng khiếp. Ngoài con số nhói lòng: 8 người chết, 14 người mất tích; cả khu vực mà người Mnông nơi đây quen gọi là “nóc ông Đề” đã tan tành, ngổn ngang.
Trên khoảnh đất rộng hơn ngàn mét vuông là hàng chục máy móc, hàng trăm con người của các lực lượng, rồi cả chó nghiệp vụ… được huy động hết công suất để bới đất, gạt đá… tìm kiếm đồng bào Mnông bị nạn.
Tôi đã có rất nhiều khoảnh khắc ghi lại những ánh mắt vô hồn, những gương mặt thất thần của đồng bào Mnông có người thân bị nạn. Trong số những gương mặt của tột cùng đớn đau, bất hạnh ấy là gương mặt xám xịt, trũng sâu, hốc hác của người đàn ông có đến 8 người thân trong gia đình bị vùi lấp. Ông là Hồ Văn Đề. Nỗi đau ập đến quá nhanh khiến người đàn ông non 70 tuổi đời như già thêm cả chục tuổi. Trong tấm bạt căng vội bên điểm sạt lở, ông Đề vật vờ bên hai nấm mồ của 2 người thân xấu số vừa được tìm kiếm thấy thi thể…
Trà Leng trong tôi là tất cả nỗi đau còn vẹn nguyên của tròn hai năm trước, là sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai, là những nỗ lực cứu hộ cứu nạn không mệt mỏi của các lực lượng chức năng, là tình người trong cơn hoạn nạn, đớn đau. Tình người ấy, trách nhiệm ấy là khi tôi chứng kiến lãnh đạo các cấp, ngành tỉnh Quảng Nam và LLVT Quân khu 5 có mặt trên từng chặng đường vào Trà Leng, có mặt ngay từ khi sự cố sạt lở Trà Leng xảy ra… động viên, san sẻ cùng đồng bào Mnông vững tin hơn, tin tưởng hơn.
Thời gian đang làm lành vết thương của núi, của rừng và dường như cũng đang vá víu nỗi đau của lòng người. Trà Leng trong tôi không chỉ có ký ức nham nhở của núi rừng bị sạt lở; đường sá, nhà cửa bị chôn vùi mà còn là tình người đọng lại. Khi biến cố, hoạn nạn đớn đau, ta mới thấm thía 2 tiếng đồng bào. Trong cuộc đời cầm bút, kỷ niệm tác nghiệp ở Trà Leng ám ảnh và đầy cảm xúc.
Công tác tại Báo Dân tộc và Phát triển, được gặp gỡ những đồng bào trên mọi miền đất nước; dù cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng sức sống, nghị lực vươn lên của họ thật đáng khâm phục. Thế nên, những tháng ngày làm báo tôi luôn tự nhủ lòng, phải đi nhiều hơn, viết nhiều hơn. Đó cũng như là cách để bản thân tri ân độc giả vậy.
Những ngày dịch dã không quên (Nhà báo Trương Hạnh Nguyên)
Cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021, các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ bắt đầu căng thẳng với cuộc chiến chống dịch Covid -19. Tôi nhớ mãi kỷ niệm, ngày 10/6, nhận được thông tin, một khu dân cư có đông đồng bào Khmer của xã biên giới Vĩnh Hải, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) áp dụng cách y tế để phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Sáng hôm sau, tôi quyết định đến xã Vĩnh Hải, vừa đi vừa lo bởi quy định người về từ vùng dịch phải thực hiện cách ly 14 ngày, vừa lo không biết đến đó mình sẽ gặp ai để khai thác thông tin. Tuy nhiên, quyết đi là phải đến, tôi đã vượt đoạn đường hơn 100km. Trong 10 năm làm báo, lần đầu tôi có được cảm xúc vừa sợ hãi, lại rất tự hào, vừa xúc động bởi đây là cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”.
Nhận định cuộc chiến chống dịch này sẽ kéo dài và nhiều khó khăn đối với đồng bào Khmer. Trên đường trở về TP. Cần Thơ tôi đã vạch cho mình một kế hoạch tác chiến. Việc đầu tiên là ở và sinh hoạt một mình để tiện cách ly khi đi công tác vùng dịch trở về, tiếp theo lên kế hoạch để còn quay lại xã Vĩnh Hải...
Dòng suy nghĩ bị cắt ngang khi con tôi gọi điện thoại báo, “Mẹ ơi, đi làm về mẹ mua gạo và ít rau củ. Nhà mình bị cách ly rồi...”. Ngay khi áp dụng Chỉ 16, tôi trở thành nhà “buôn” bất đắc dĩ, bởi tôi được Sở Thông tin và Truyền thông cấp cho giấy đi xuyên các quận, huyện. Lúc này, nhiệm vụ càng nặng nề, nhưng niềm vui và niềm tự hào luôn luôn thường trực khi biết mình đang góp sức giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào lúc hoạn nạn. Tôi vào vùng nông thôn mua nông sản không bán được về chia cho những người trong khu cách ly, các em sinh viên bị kẹt lại khi các trường cho nghỉ nhưng chưa kịp về quê...
Có hôm giữa khuya có người gõ cửa nhờ mua thuốc gấp vì gia đình có người bị bệnh nặng nhưng không ra khỏi nơi cách ly. Có lúc tôi chở bà bầu đau đẻ đi cấp cứu... Có lẽ đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời làm báo của tôi!
Ôi nhà báo thì… tôi không bắt lời (Nhà báo Tuấn Trình)
Đó là câu nói của một cụ ông ngoài 80 tuổi ở một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn khiến tôi bất ngờ và rất buồn.
Chuyện là, trong một chuyến công tác, đi xác minh đơn thư bạn đọc tại huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). Giữa trưa tháng 6 trời nắng như đổ lửa, tôi một mình một ngựa - là con xe máy cũ mượn của đồng nghiệp Báo Lạng Sơn, chạy loanh quanh tìm nhà một người dân miền núi, nhưng cách mấy cây số đường rừng chẳng có bóng một người để mà hỏi thăm. Tìm bở hơi tai cuối cùng cũng đến nơi, tôi không thể tin nổi đó là nơi ở của một gia đình với tám con người đang cùng chung sống. Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ như túp lều canh nương.
Một cụ ông ngoài 80 tuổi đang cầm con dao quắm cạo nhựa thông, qua phần chào hỏi rất vui vẻ, đến khi tôi vào đề câu chuyện và giới thiệu mình là nhà báo thì bỗng dưng cụ ông ngừng tay, nhìn tôi rồi thốt ra câu: “Ôi nhà báo thì tôi không bắt lời”. Nói rồi cụ ông lững thững đi về nhà bỏ lại tôi một mình ngơ ngác không biết nguyên nhân tại sao.
Tôi lững thững theo cụ ông vào nhà và qua rất nhiều câu độc thoại, kiên trì… cuối cùng ông lão cũng bắt lời với tôi. Ông lão cho biết: Ông tên là T, là Cựu chiến binh, người dân tộc Tày, gia đình có 8 người đang sinh sống tại đây. Ông T phản ánh về hoạt động của Nhà máy gạch TUYNEL Na Dương, thuộc Công ty Cổ phần Toàn Phát, đã sử dụng chất đốt gây ô nhiễm môi trường; ngang nhiên sử dụng loại lò thủ công đã bị cấm trong sản xuất gạch. Mỗi khi lò gạch lên lửa, gió đưa khói từ lò gạch bay ra gây khó thở và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt của những hộ dân nơi đây… Mặc dù mấy năm qua, báo chí có phản ánh nhưng mọi việc vẫn cứ dậm chân tại chỗ.
Tôi thuyết phục ông T cung cấp thông tin và hứa với ông là sẽ xác minh và viết bài phản ánh. Cuối cùng ông T cũng tin và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong quá trình tác nghiệp.
Và rồi sau 2 bài viết được đăng tải trên Báo Dân tộc và Phát triển, chỉ ra các dấu hiệu sai phạm của Công ty Cổ phần Toàn Phát tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Toàn Phát hơn 343 triệu đồng. Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu Công ty Cổ phần Toàn Phát không được sử dụng số lượng hơn 1.468m3 than xít được lấy từ Dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2. Yêu cầu Công ty Cổ phần Toàn Phát hoàn trả toàn bộ số đất, đá lẫn than về lại vị trí đã lấy.
Một buổi sáng thứ 7, tôi nhận được điện thoại của ông T, ông T vui mừng thông báo, hiện tại chính quyền đã yêu cầu Nhà máy tạm dừng hoạt động và buộc Công ty Cổ phần Toàn Phát thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Ông T cảm ơn và chuyển lời cảm ơn của bà con tới lãnh đạo tòa soạn báo. Cuối cuộc trò chuyện ông T dặn tôi: Sáng thứ 2 đầu tuần, tiện chuyến xe xuống Thủ đô, ông và bà con có chút măng tươi gửi biếu tòa soạn. Tôi chỉ mong ông cùng bà con hãy tin, chia sẻ và… bắt lời với nhà báo.
Trưa thứ 2 đầu tuần, ngồi cùng đồng nghiệp, thưởng thức món măng rừng luộc chấm muối vừng, tôi thấy cuộc đời làm báo lại có lúc nhẹ nhõm và hạnh phúc đến vậy!
Nghề báo cho tôi nhiều trải nghiệm sống (Nhà báo Hồng Phúc)
Sau khi ra trường và trải nghiệm ở vài tờ báo, tôi quyết định gắn bó với Báo Dân tộc và Phát triển bởi niềm yêu thích tự do và phiêu lưu vốn có của mình. Vùng cao hấp dẫn tôi từ những cung đường ngoằn ngoèo, sự hùng vĩ của đại ngàn trùng điệp núi non và những con người thật “lạ lùng”, và những bản sắc văn hoá độc đáo.
Chuyến đi đáng nhớ và để lại nhiều kỷ niệm với tôi là lần công tác tại bản Rào Tre, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh năm 2018. Một phóng viên trẻ, mặc áo da, quần jean đi vào bản sâu tít tắp khiến đồng bào Chứt ai cũng nhìn như một vật thể lạ. Lúc ấy, tôi vừa ngại ngùng vừa có đôi chút sợ hãi khi mò mẫm vào thế giới không hề quen thuộc với mình. Ngày trước, những cuộc phỏng vấn của tôi xoay quanh người nổi tiếng, nhà văn, người trẻ khởi nghiệp thì lúc ấy tôi đối diện với đồng bào Chứt, những người nói tiếng phổ thông chưa rõ ràng thì tôi thật sự bối rối.
Khi ấy, Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên (Tổ tưởng Tổ công tác bản Rào Tre, Đồn Biên Phòng Bản Giàng) nói với tôi: “Chỉ cần em trò chuyện chân thành là đủ rồi”.
Tôi gặp Hồ Thị Núi khi chị đang trên đường đưa 2 con đi học, anh Hồ Me vừa đi rừng về, những bó mây vẫn còn xếp ở trong sân. Là một trong 11 hộ gia đình được cấp nhà mới hồi tháng 4/2018, niềm vui dường như vẫn còn mới trong tiếng bước chân rậm rịch lên nhà sàn của vợ chồng chị. Chẳng ai ngờ được rằng Hồ Thị Núi, Hồ Thị Non, cả 2 đứa con gái của thầy mo Hồ Búc nổi tiếng bản Rào Tre ngày xưa lại lấy chồng người Kinh. Ông Búc cũng được các chiến sĩ quân hàm xanh vận động cũng tự nguyện bỏ nghề, để người dân ốm đau đi trạm xá chứ không cúng bái như xưa nữa.
Trong những nếp nhà còn thơm mùi gỗ mới, chúng tôi chia sẻ những câu chuyện xa gần, từ những rụt rè ban đầu, nhân vật của tôi đã mở lòng chia sẻ, sự sợ hãi lo lắng khi làm những điều trước đây chưa làm, sự thay đổi của bản thân và niềm hạnh phúc đang dâng lên trong lòng. Giữa miền biên viễn, tôi và Núi cầm tay nhau thật chặt, đó là lần đầu tiên tôi có cảm giác thương yêu đồng bào thấm thía đến như vậy.
Khi tôi kết thúc chuyến công tác cũng là lúc ở Rào Tre, những bông đào đang hé nở, ngày Xuân đang đến rất gần, lòng người với đất trời như đang giao hòa trong hân hoan. Ngồi trên xe khách về Hà Nội, lòng tôi vẫn vương vấn hình ảnh của Núi và hơi ấm tình người nơi Rào Tre. Nghề báo đã cho tôi nhìn thấy những gương mặt khác của cuộc sống, tôi thấy mình “người” hơn, thấy cuộc đời thật tươi đẹp, đáng sống.