Vùng DTTS và miền núi với nhà báo trẻ
Là một nhà báo thế hệ 9x, biên tập viên Nguyễn Hoài Đảm đã có 8 năm công tác tại Ban Truyền hình tiếng dân tộc (VTV5), Đài Truyền hình Việt Nam. Tuổi nghề chưa dài, nhưng đủ để nhà báo Hoài Đảm nhận thức rõ được trách nhiệm của mình với sự phát triển chung của vùng DTTS và miền núi.
“Tôi may mắn được đi nhiều nơi, gặp gỡ đồng bào ở mọi miền Tổ quốc. Nhưng sau mỗi chuyến đi cũng là một lần trăn trở, bởi cuộc sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, từ đường tới bản, từ bữa ăn hằng ngày, chuyện học của lũ trẻ, sinh kế của người lớn… Tất cả những điều đó càng làm tôi cảm thấy cần phải có trách nhiệm hơn trong mỗi dòng tin, mỗi phóng sự…”, nhà báo Hoài Đảm bộc bạch.
Với đặc thù về đối tượng khán giả, báo chí về đề tài DTTS và miền núi mang trong mình sứ mệnh riêng. Ngoài vấn đề tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối thông tin với bà con thì còn phải là những người bạn, người dẫn đường tin cậy. Điều đó phải được thể hiện trong từng thông tin trên báo chí, trong từng lời nói, hành vi, cách ứng xử mỗi lần tác nghiệp ở cơ sở.
Kể về quãng thời gian làm báo của mình, nhà báo Hoài Đảm không khỏi tự hào về những tác phẩm của mình và ekip khi truyền tải thông tin đi và nhận được về “trái ngọt” cho nhân vật của mình.
“Đó là vào tháng 10/2019, chúng tôi vào miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi để ghi hình cho chương trình “Chuyện làng, chuyện bản”. Sơn Tây vốn được mệnh danh là xứ ngàn cau, nhưng đồng bào Ca Dong nơi đây vẫn nghèo, chỉ vì thói quen uống rượu. Nhiều trẻ em thất học từ đó, trong đó có cậu bé Đinh Văn Rượu - chào đời ở bìa rừng sau một cơn say của mẹ. Cha mẹ bỏ nhau, lang bạt, Rượu bỏ học, suýt thành hư hỏng nếu ko được nhờ xóm làng cưu mang. Đây là hoàn cảnh rất ám ảnh với chúng tôi. Nhưng thật may, sau khi chương trình phát sóng, chính quyền địa phương đã liên lạc trao đổi với ekip chương trình, thông báo là Rượu đã được tạo điều kiện đi học trở lại và những đứa trẻ cùng hoàn cảnh như Rượu ở địa bàn đó cũng vậy”, nhà báo Hoài Đảm phấn khởi kể lại.
Nói đến đồng bào các DTTS là nói đến vùng sâu, vùng xa, vùng giao thông còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn nhiều hạn chế. Thế nên, với những nhà báo nữ lại khó khăn hơn nhiều lần. “Chúng tôi thực sự đã “đổ mồ hôi” trên những trang viết” đó là lời chia sẻ chân thật của nữ nhà báo Lê Hồng Phúc, Báo Dân tộc và Phát triển.
Kể về quãng thời gian làm nghề của mình, nhà báo Lê Hồng Phúc cho rằng, làm báo cho đồng bào DTTS đã giúp mình trưởng thành cả trong nghề lẫn trong cuộc sống.
“Khai thác, phản ánh những cái hay, cái đẹp cũng như những hạn chế ở vùng đồng bào DTTS, nhà báo không được “cưỡi ngựa xem hoa” mà cần đồng hành, tìm hiểu sâu đời sống đồng bào để có cái nhìn toàn diện, tiếng nói cụ thể, mang những thông tin đồng bào cần, giúp đồng bào thay đổi hành vi cũng như thực hiện ngày càng tốt hơn trọng trách là “cầu nối” giữa Đảng và Nhà nước với đồng bào các DTTS. Điều này đòi hỏi các nhà báo – những sứ giả thông tin phải nỗ lực, cố gắng rèn luyện và gắn bó sâu sắc với đồng bào hơn nữa”, nhà báo Lê Hồng Phúc chia sẻ.
Đồng hành cùng nhà báo trẻ giữ “lửa nghề”
Có thể nói, những gì nhà báo nói, làm, đăng tải phải thực sự vì cái chung, có ích cho đồng bào, để góp sức cùng đồng bào vươn lên. Ngoài phạm vi tác nghiệp, với những mối quan hệ của mình, người làm báo cũng có thể kêu gọi thêm những sự hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội, góp phần cải thiện cuộc sống của đồng bào, nhất là trẻ em vùng DTTS theo những cách khác nhau. Nếu có tâm, nếu gắng sức, người làm báo hoàn toàn có thể làm nhiều điều tốt đẹp cho đồng bào, cũng có nghĩa là gián tiếp góp sức cho sự phát triển của vùng DTTS và miền núi.
Vậy, làm gì để phát huy hết vai trò, năng lực của các nhà báo trẻ, nhất là ở địa bàn đặc thù như vùng DTTS và miền núi? Bàn về vấn đề này, Nhà báo Lã Minh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Sơn La, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Sơn La cho biết, để phát huy vai trò, năng lực của nhà báo trẻ trước hết cần có cơ chế chính sách phù hợp cho phóng viên tác nghiệp ở miền núi. Cùng với đó là khơi dậy tinh thần yêu nghề của phóng viên, trang bị thêm vốn kiến thức cho nhà báo…
Theo ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, vùng DTTS và miền núi là nơi có địa hình khó khăn, khó tác nghiệp, vì thế ngoài kinh nghiệm nghề, chuyên môn thì yếu tố sức khỏe cũng rất quan trọng. Khi tác nghiệp tại vùng khó khăn, những nhà báo trẻ sẽ có cho mình những trải nghiệm để rèn luyện bản lĩnh cũng như say mê nghề.
Cũng theo ông Lợi, để đội ngũ nhà báo trẻ phát huy hết được sức trẻ, trí tuệ, trách nhiệm của mình cho sự phát triển chung của vùng DTTS và miền núi thì trước hết bản thân mỗi nhà báo phải luôn nêu cao tinh thần thần xung kích. Cùng với đó các cơ quan báo chí sẵn sàng tạo điều kiện mọi mặt để phóng viên tác nghiệp. Đồng thời khen thưởng kịp thời khi phóng viên tác nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn, đột xuất. Ngoài ra, ông Lợi còn cho rằng, cần đẩy mạnh hơn việc đào tạo, bồi dưỡng cho các nhà báo là người DTTS. Bởi không ai hiểu vùng DTTS và miền núi bằng chính họ.