Sơn Dương là một huyện thuần nông, diện tích đất nông nghiệp hơn 69.200ha, chiếm gần 87% diện tích tự nhiên với các cây trồng chủ lực như lúa, ngô, chè, mía, cây ăn quả. Xác định nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, huyện Sơn Dương đã thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hiện, nông dân Sơn Dương đã và đang mạnh dạn chuyển đổi những mô hình nông nghiệp kém hiệu quả sang những mô hình tiềm năng giúp nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định.
Điển hình như nhóm liên kết chăn nuôi gà đồi Thanh Sơn, thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa có 7 thành viên liên kết chăn nuôi gà thảo dược. Mỗi năm, nhóm cung cấp cho thị trường từ 15 - 17 tấn gà thịt, đem lại thu nhập cho mỗi hội viên trung bình từ 100 - 200 triệu đồng/năm.
Ông Lê Đại Dương, Tổ trưởng Nhóm liên kết chăn nuôi gà đồi Thanh Sơn cho biết, trước đây, gia đình nuôi gà nhưng số lượng ít và theo cách truyền thống nên hiệu quả không cao. Từ khi tham gia mô hình chăn nuôi tuần hoàn, được hỗ trợ giống tốt, xây dựng chuồng trại thoáng mát và được hướng dẫn quy trình chăn nuôi nên gà sinh trưởng nhanh. Hiện tất cả thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, có ghi chép nhật ký sản xuất như tuân thủ tiêm phòng vắc-xin đúng thời điểm, giảm thiểu kháng sinh hoặc không sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng chế phẩm được chiết xuất từ thảo dược. Sàn của chuồng gà được sử dụng trấu, mùn cưa trộn men vi sinh. Phân gà sẽ được các loại vi khuẩn khử mùi hôi hoàn toàn.
Mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn sẽ tận dụng chất thải phân gà, ủ phân để bón cho nhiều cây trồng, như: Mít, ổi, na và một số cây thảo dược, như: Cỏ lào, khôi tía, khôi trắng, tía tô, khổ sâm, xuyến chi, xả, đinh lăng… Các loại cây này sẽ được sử dụng làm thức ăn cho gà theo hướng tuần hoàn. “Do mô hình khép kín, việc vệ sinh chuồng trại tốt, nguồn thức ăn đầu vào đảm bảo nên rất ít xuất hiện dịch bệnh trên gà. Hiện nay, lượng phân bón từ trại gà cung cấp cho vườn cây còn dư còn có thể cung cấp cho các hộ dân trong vùng, tạo thêm thu nhập” - ông Dương chia sẻ.
Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, huyện Sơn Dương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng khép kín, tái tạo, tận dụng triệt để các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Kế hoạch số 415/KH-UBND, ngày 23/9/2021, huyện Sơn Dương triển khai thực hiện Đề án, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trên các cây trồng chính (lúa, ngô, lạc, mía, chè, rau) trên 55%; hầu hết các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp được tái sử dụng một cách hiệu quả.
Hết năm 2023, trên địa bàn huyện đã có 49 sản phẩm được UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt đạt sản phẩm OCOP (12 sản phẩm đạt hạng bốn sao, 37 sản phẩm đạt hạng ba sao); có 54 sản phẩm xây dựng nhãn hiệu bao bì sản phẩm. Năm 2024 có 14 sản phẩm chăn nuôi đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn… nhiều mô hình kinh tế vùng nông thôn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, Sơn Dương đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như: Vùng chè (1.808,2ha), vùng mía (1.706,5ha), vùng cây dược liệu (56,2ha), vùng trồng rau các loại (459,9ha), cây lâm nghiệp (31.473,6ha). Tổng đàn vật nuôi hiện là hơn 18 nghìn con trâu, gần 13 nghìn con bò, 177 nghìn con lợn, 1,7 triệu con gia cầm.
Nhiều nông dân ở Sơn Dương đang mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ hướng truyền thống sang hiện đại.
Đến nay, huyện có trên 8.000 hộ nông dân đạt danh hiệu Hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo việc làm ổn định cho trên 20.000 lao động tại địa phương. Nhờ vậy, đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh, thân thiện môi trường, không chỉ giúp người nông dân nâng cao thu nhập, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp hướng đến xây dựng nền nông nghiệp thông minh ở địa phương.