“Xóa đói” thông tin – chìa khoá để thoát nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu giảm nghèo thông tin cho bà con nhân dân, thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Sơn Dương đã nỗ lực thực hiện các giải pháp thông tin, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông, hạ tầng truyền thanh thông minh, đẩy mạnh công tác tuyền truyền, để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống kịp thời, đầy đủ. Qua đó, giúp người nghèo nắm được các thông tin, chính sách và học hỏi các những mô hình hay, cách làm tốt, từ đó, nâng cao nhận thức và quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Trước kia, bà Lý Thị Hòe (trú tại xã Trường Sinh, Sơn Dương, Tuyên Quang) rất khó tiếp cận với các thông tin đăng tải trên các phương tiện đại chúng. Nhưng kể từ khi hệ thống loa phát thanh của xã được đầu tư, xây dựng, gia đình bà đã có thể dễ dàng tiếp cận thông tin. Những thông tin về dịch bệnh, thời tiết thất thường, cảnh báo về biến đổi khí hậu, cải cách thủ tục hành chính trên loa phát thanh của xã đã được bà nghe hằng ngày.
Vừa làm việc nhà, bà Hòe vừa có thể nghe thông tin. Không chỉ thông tin từ địa phương, mà các thông tin từ Trung ương tới tỉnh Tuyên Quang đều được bà Hòe cập nhật.
Theo đó, khi bà Hòe có nghe thông tin chính quyền địa phương có hỗ trợ cho người dân vay vốn từ đài truyền thanh xã, bà đã đến xã hỏi và được hỗ trợ cho vay tiền để con trai của bà phát triển kinh tế. Nhờ đó, cuộc sống gia đình bà Hòe đã được cải thiện.
Ngoài ra, các thông tin về thị trường lao động cũng được nhiều người dân đón nhận. Nhờ đó các lao động trẻ đã mạnh dạn đi làm tại các thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Có thể nói, việc “xóa đói” thông tin là một trong những chân kiềng tạo đồng thuận trong quần chúng nhân dân. Từ đó, các phong trào thi đua sản xuất, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo được phát huy tích cực.
Ngoài thông tin, việc tiếp cận với các hệ thống viễn thông 3G, 4G cũng giúp người dân chia sẻ thông tin với nhau, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản mình làm ra.
Đa dạng các hình thức giảm nghèo thông tin
Chuyển đổi số được xem là tiền đề vững chắc cho công tác “xoá đói” thông tin cho bà con nhân dân vùng khó khăn. Tại huyện Sơn Dương, việc chuyển đổi số đã được UBND huyện xây dựng thành Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, huyện hướng tới phổ cập kỹ năng số giúp người dân, doanh nghiệp được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số và tạo nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi số…
Theo ông Hoàng Văn Khéo - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trào (huyện Sơn Dương), trên thực tế, số người dân biết và thực hiện các dịch vụ công ở xã vẫn còn khiêm tốn, việc thực hiện các thao tác trên điện thoại thông minh chưa tốt, nhiều người còn tâm lý đến tận xã giải quyết cho “chắc chắn” dẫn đến hiệu quả chuyển đổi số chưa được như kỳ vọng. Tại một số xã trên địa bàn huyện, để người dân biết và thực hiện các thủ tục hành chính trên không gian mạng, cán bộ xã phải thực hiện 2 việc, vừa nhận hồ sơ, giấy tờ bản giấy, vừa đồng thời “cầm tay chỉ việc” cho người dân làm các thao tác trên điện thoại thông minh theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”…
Để thực hiện muc tiêu giảm nghèo về thông tin, đồng thời giải quyết những khó khăn, bất cập hiện tại, theo kế hoạch, thời gian tới, các cấp chính quyền, địa phương tại huyện Sơn Dương sẽ tiếp tục quyết tâm gỡ những “điểm nghẽn” trong thực hiện chuyển đổi số, như: tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp; tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức về nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát chương trình, các dự án hỗ trợ giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường cơ sở vật chất và nội dung cho hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở, nhất là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất - kinh doanh; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, Sơn Dương sẽ đẩy mạnh các giải pháp xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ưu tiên các giải pháp chuyển đổi nhận thức và xây dựng các nền tảng dùng chung cho toàn huyện; tập trung phát triển hạ tầng số; tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin,...