Đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Sơn Dương, gồm có 72 thôn đặc biệt khó khăn, trong đó: 07 xã khu vực III (47 thôn đặc biệt khó khăn), 6 xã khu vực II (22 thôn đặc biệt khó khăn), 2 xã khu vực I (03 thôn đặc biệt khó khăn), thì hệ thống luật tục mang đậm nét bản sắc dân tộc chi phối, tác động ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân và cả cộng đồng dân cư.
Sơn Dương xác định để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng. Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn Sơn Dương đã vào cuộc quyết liệt trong công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS.
Hiện nay, huyện có 22 báo cáo viên cấp huyện, 145 báo cáo viên cấp xã, thị trấn và 601 tuyên truyền viên cơ sở đây là một trong những nhân tố quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền địa phương truyền tải thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện đã bố trí 03 cán bộ thực hiện đăng tải, duy trì hoạt động Trang thông tin điện tử huyện; 05 cán bộ phụ trách lĩnh vực thông tin tuyên truyền huyện để người dân có thể cập nhật kịp thời, chính xác mọi thông tin.
Theo Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Sơn Dương, hiện nay, trên địa bàn huyện có 30/30 xã đã ban hành quy chế hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở với thời gian phát sóng 2 buổi/ngày (từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần), thời lượng tiếp âm, phát sóng 180 phút/ ngày. Thời gian tiếp, phát sóng của Đài truyền thanh huyện: Buổi sáng từ 5 giờ 30 phút đến 7 giờ; buổi chiều từ 17 giờ 30 phút đến 19 giờ.
Hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở đã bám sát định hướng tuyên truyền của các cấp ủy và chính quyền; kịp thời thông tin đến Nhân dân trên địa bàn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, công tác phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị của địa phương; các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; thông tin về các chương trình mục tiêu quốc gia; phản ánh gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống... góp phần tích cực vào việc động viên các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các hình thức tổ chức tuyên truyền, vận động đã có sự thay đổi đáng ghi nhận, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với nhu cầu đời sống, sản xuất, phù hợp với trình độ và tâm lý tiếp nhận thông tin của đồng bào nên các chủ trương, chính sách đang dần đi vào cuộc sống một cách thiết thực.
Sơn Dương có 21 thành phần DTTS, chiếm gần 47% tổng dân số của huyện. Bên cạnh các hình thức thông tin phổ biến ở vùng cao, như: Loa phát thanh, truyền thanh; bảng tin công cộng; họp thôn, bản; tuyên truyền miệng thông qua các già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc tôn giáo… Huyện có 321 Người có uy tín, cùng với hệ thống báo cáo viên các cấp, đây là đội ngũ có đóng góp vô cùng quan trọng trong công cuộc tuyên truyền thông tin.
Bà Hà Thị Thuý Dịu, Phó trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Sơn Dương, chia sẻ: Với khối lượng chính sách lớn và phát triển toàn diện mọi mặt đời sống của đồng bào, chúng tôi xác định công tác truyền thông cần trở thành “cầu nối” tới đồng bào DTTS, đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống và cũng từ thực tiễn phản ánh tiếng nói của đồng bào về những mặt được và chưa được để cơ quan chức năng có những điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần phải đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, xuyên tạc thành quả cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta dày công vun đắp.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đến hết năm 2023, 30 xã của huyện đã đạt tiêu chí về lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 53,55 triệu đồng. Đến nay, huyện có 19/30 xã đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới.