Trải qua thời gian lâu dài sinh sống tại TP Hồ Chí Minh và theo xu hướng phát triển chung, đồng bào Khmer tại đây đã dần hoà nhập, trở thành một bộ phận cư dân phát triển ngày càng lớn mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh.
Tại TP Hồ Chí Minh hiện có hai ngôi chùa Khmer là Candaransi (Quận 3) và Pothiwong (quận Tân Bình). Đây cũng chính là hai trung tâm sinh hoạt văn hóa - tôn giáo của cộng đồng người Khmer tại thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói, Phật giáo Nam tông Khmer trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, tâm linh của người Khmer, gắn chặt với đó, là những quan điểm về nhân sinh quan, thế giới quan và đã trở thành nguồn gốc tư tưởng, tác động hình thành nên đặc trưng văn hóa của cộng đồng người Khmer Nam Bộ.
Phong tục đi chùa vào những ngày trọng đại, không chỉ là hoạt động mang tính chất thuần túy tôn giáo mà đã trở thành một tục lệ, một truyền thống văn hóa lâu đời, có giá trị lưu truyền trong cộng đồng. Người Khmer không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội mà đều được xem như một tín đồ Phật giáo và lớn lên trong sự dạy dỗ theo tinh thần đạo lý của nhà Phật.
Bạn Chúc Gia Linh (ngụ quận Tân Bình), dân tộc Khmer cho biết: Em quê ở Kiên Giang, lên TP Hồ Chí Minh học đại học và ở lại đi làm sau khi tốt nghiệp. Sinh sống ở đây đã hơn 7 năm, dù công việc bộn bề nhưng em vẫn duy trì vào dịp rằm, mùng một và những ngày lễ, hội đến chùa cùng tham gia sinh hoạt truyền thống như tục tắm Phật ngày Tết, nấu các món ăn truyền thống, tập các điệu múa, bài hát dân tộc trong các ngày lễ hội của người Khmer…
Hiện nay, ngoài việc thường xuyên mở các lớp dạy tiếng Khmer miễn phí cho các em nhỏ, các ngôi chùa Khmer tại TP Hồ Chí Minh còn là nơi tiếp nhận, cưu mang chỗ ăn, chỗ nghỉ cho nhiều chư tăng, sinh viên từ các tỉnh, địa phương khác đến đây học tập. Hoà thượng Danh Lung, Trụ trì chùa Candaransi cho biết, từ năm 1995 đến nay, đã có trên 100 chư tăng và hơn 300 sinh viên đã đến cư trú tại chùa. Nhiều người trong số đó, hiện đã thành danh hoặc trở thành các chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cán bộ các sở, ngành địa phương.
Nét đặc trưng trong văn hoá của đồng bào Khmer, đó chính là Lễ hội và phong tục tập quán thường hòa quyện vào nhau. Trong từng lễ (bund) có nhiều nghi thức (pithi). Ở mỗi nghi thức cụ thể, đều có sự đan xen giữa yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Các lễ hội của người Khmer luôn gắn với sinh hoạt thường ngày, không có sự phân biệt “rạch ròi” giữa phong tục tập quán với lễ hội, các yếu tố lễ và hội quyện vào nhau tạo nên sự phong phú nhiều màu sắc.
Những ngày lễ quan trọng trong năm, cũng chính là những dịp tổ chức các hình thức sinh hoạt dân gian. Đồng bào Khmer luôn mang theo mình một kho tàng phong phú về truyện cổ, thần thoại, truyền thuyết gắn liền với tín ngưỡng. Bên cạnh đó, còn có một nền sân khấu truyền thống như Dù kê, một nền âm nhạc riêng biệt vừa cất lên đã nhận ra bản sắc.
Và hơn hết - điệu múa lâm thôn đặc biệt được đồng bào Khmer yêu thích. Dù là ai, làm gì, nhưng trong không khí của lễ hội, của ngày quan trọng như tết Chôl Chnăm Thmây tất cả già trẻ, gái trai đều sẵn sàng múa nhịp xoè tay, quây quần rộn ràng cười nói, thân thiện, hữu tình trong âm nhạc mê say.
Ngày nay, do sự hoà nhập và phần nhiều tính chất công việc ở thành phố năng động, nên nhiều đồng bào Khmer không thể về quê (các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang…) ăn tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và nghỉ tết dài ngày như trước, đặc biệt là các bạn trẻ. Bên cạnh đó, đồng bào Khmer từ các nơi chuyển về sinh sống và làm việc cố định tại TP Hồ Chí Minh ngày càng đông.
Dù đồng bào sinh sống ở đâu đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc, động viên kịp thời về đời sống vật chất lẫn văn hoá tinh thần của Đảng, Nhà nước và các cơ quan công tác Dân tộc. Điều này thể hiện rõ nhất là những chính sách dân tộc nhằm phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dành cho đồng bào. Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết đều có các đoàn công tác từ Trung ương đến địa phương ghé thăm, tặng quà, chia sẻ tâm tư tình cảm với đồng bào, từ đó kịp thời có những tham mưu về chính sách nhằm trợ giúp đồng bào ngày càng vươn lên phát triển.
Hai năm trở lại đây, với sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, cộng đồng người Khmer tại thành phố Hồ Chí Minh đã chung tay tổ chức lễ hội đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây an vui, đầm ấm kết hợp với quảng bá rộng rãi văn hoá truyền thống Khmer, thông qua việc tổ chức các gian hàng triển lãm nghệ thuật, triển lãm các sản phẩm kinh tế nổi bật của chính các thành viên trong cộng đồng kinh doanh, sản xuất.
Có thể thấy, tuy có nhiều thay đổi về đời sống, công việc để thích nghi với đô thị sầm uất, đặc biệt là việc cộng đồng người Khmer tại TP Hồ Chí Minh không sống tập trung tại các phum, sóc như khu vực các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; tuy nhiên các nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hoá, tôn giáo thì vẫn luôn được giữ gìn, phát huy, tạo nên những sắc màu độc đáo, tô điểm thêm cho bức tranh văn hoá đa đạng, phong phú của thành phố mang tên Bác.