Khởi sắc ấp nghèo
Tapasa 1 là ấp đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 – 2025 của xã Tân Phú, huyện Thới Bình (Cà Mau). Toàn ấp có khoảng 460 hộ, trong đó có 119 hộ/628 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Khmer. Triển khai Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, đồng bào Khmer ở ấp Tapasa 1 được tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Khmer ở ấp Tapasa 1 đã nỗ lực vươn lên để thoát nghèo bền vững. Tính đến hết năm 2022, toàn ấp chỉ còn 3 hộ nghèo.
Giai đoạn 2021 – 2025, đồng bào Khmer ở ấp Tapasa 1 tiếp tục được thụ hưởng nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong năm 2022, từ nguồn vốn của Chương trình MTQG, ấp Tapasa 1 đã được bố trí kinh phí để sửa chữa và nâng cấp 485m đường bê tông; nâng tỷ lệ bê tông hóa đường giao thông toàn ấp đạt 100%.
Theo Trưởng ấp Tapasa 1, ông Thạch Văn Rươl, nhờ các chính sách dân tộc được triển khai có hiệu quả, cơ sở hạ tầng được đầu tư, bà con đồng bào dân tộc được thụ hưởng nhiều từ các chương trình đầu tư cho văn hóa, giáo dục, y tế. Mạng lưới giao thông đi lại dễ dàng, thuận tiện trong sản xuất và giao thương hàng hóa. Bộ mặt nông thôn đổi mới, cuộc sống người dân nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng không ngừng phát triển.
Hạ tầng được đầu tư, thu nhập được nâng lên góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân trong ấp; những ngày lễ Tết truyền thống của đồng bào thêm rộn ràng, ấm áp hơn. Đối với đồng bào Khmer ở ấp Tapasa 1, Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay (diễn ra từ ngày 14, 15, 16/4/2023) chắc chắn vui tươi, đầm ấm hơn so với những năm trước.
Cũng như ấp Tapasa 1, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer vùng Tây Nam Bộ đã có những bước tiến mới. Đây là những kết quả đầy nỗ lực của các ban, bộ, ngành, địa phương sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư. Việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW chắc chắn sẽ gặt hái được thêm nhiều thành quả mới từ việc triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chăm lo đời sống tinh thần
Cùng với chăm lo đời sống kinh tế, thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư, các ban, bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm nâng cao đời sống tinh thần, nhất là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Một số tỉnh ở Tây Nam Bộ đã xây dựng nhà truyền thống dân tộc Khmer; riêng tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng xây dựng được nhà bảo tàng dân tộc Khmer, đồng thời sưu tầm được nhiều hiện vật văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị; một số nơi đã xây dựng trung tâm văn hóa tiêu biểu của đồng bào Khmer…
Đặc biệt, với đồng bào dân tộc Khmer, chùa là trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục của cộng đồng. Chùa không chỉ là nơi đọc kinh, thực hiện nghi lễ của Phật giáo mà còn là nơi tổ chức dạy chữ Khmer, tổ chức lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Toàn vùng Tây Nam Bộ hiện có 453 chùa Khmer, trong đó 14 chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; 29 chùa được công nhận di tích cấp tỉnh.
Để tiếp tục lan tỏa văn hóa truyền thống của đồng bào, công tác văn hóa, thông tin cũng được quan tâm, chú trọng. Mạng lưới truyền thanh đến nay đã tới 100% thôn, ấp; Internet đã được phát triển ở nhiều nơi, tạo điều kiện để đồng bào tiếp cận với nhiều thông tin của cả nước và thế giới. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer có phương tiện nghe, nhìn tăng cao, đạt bình quân 98% như Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long; nhiều địa phương đạt 100%, như Kiên Giang, Cần Thơ…
Những thành tựu đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW đã góp phần quan trọng tăng cường sự tin tưởng, đồng thuận của cán bộ, sư sãi và đồng bào Khmer vào các chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ đó, đồng bào yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần chung vào sự phát triển của địa phương ngày thêm giàu đẹp.