Theo đó, một dự án BĐS sẽ được chia nhỏ thành nhiều phần để nhiều nhà đầu tư có thể tham gia từ một triệu đồng cho đến hàng chục tỷ đồng, tùy vào năng lực tài chính của mình. Chẳng hạn, một căn hộ chung cư có giá niêm yết 2 tỷ đồng sẽ được chia thành 2.000 đơn vị (mỗi đơn vị tương ứng một triệu đồng), người mua có thể chọn mua một hoặc nhiều đơn vị. Công ty chủ quản sẽ ký hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng. Nhà đầu tư có thể tự mua bán, thỏa thuận giao dịch chuyển nhượng phần BĐS đó cho người khác. Trong thời gian đầu tư, nếu BĐS được công ty bán thì tiền lãi sẽ chia đều theo số đơn vị mỗi người mua tham gia. Mọi giao dịch thực hiện thông qua app được cài đặt trên điện thoại thông minh. Ông Dương Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư TM&DV Hoàng Minh, hoạt động trong lĩnh vực BĐS, cho biết: "Đây là hình thức huy động vốn tham gia vào thị trường BĐS, là mô hình hoàn toàn mới tại Việt Nam nên chưa có quy định pháp luật nào điều chỉnh hình thức này, mọi ràng buộc chỉ dựa vào hợp đồng hợp tác giữa khách hàng với đơn vị phát hành. Vì vậy, điều đó ẩn chứa nhiều rủi ro cho người mua, nhất là khi dự án BĐS chưa hoàn tất thủ tục, có vấn đề về pháp lý...”.
Việc nhiều người cùng mua chung một BĐS sẽ phức tạp hơn trong vấn đề quyết định bán hay giữ so với trường hợp một người mua. Có khi đa số người muốn bán mà chỉ vài người không đồng thuận cũng không thực hiện được giao dịch. Người mua không nên chạy theo cam kết lợi nhuận vì điều đó còn phụ thuộc vào từng dự án và uy tín, năng lực của chủ đầu tư...