Cán bộ dân số xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) phát tờ rơi tuyên truyền chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình đến người dân“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”
Tại xã vùng cao Quảng Lâm (huyện Đầm Hà), nơi 98% dân số là người DTTS, việc tiếp cận các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình còn nhiều khó khăn do rào cản ngôn ngữ, nhận thức và điều kiện địa lý. Để khắc phục điều này, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số xã đã kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại.
Chị Tằng Nhì Múi, người dân thôn Tài Lý Sáy, chia sẻ: “Nhờ có cán bộ tuyên truyền mà gia đình tôi thay đổi suy nghĩ về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. Họ tư vấn tận tình về việc khám sức khỏe định kỳ, cho con sử dụng vi chất, và dùng biện pháp tránh thai an toàn nên tôi rất yên tâm”.
Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Ninh cấp phát thuốc, tư vấn sức khỏe sinh sản cho người dân Không chỉ tiếp cận phụ nữ, công tác truyền thông còn hướng tới nam giới để tuyên truyền về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến “trọng nam khinh nữ”; tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
“Muốn bà con nghe và tin, chúng tôi phải là người hiểu họ - từ hoàn cảnh đến thói quen sinh hoạt để lựa lời truyền thông phù hợp. Nhờ đó, nhiều hộ đã chủ động sinh đẻ có kế hoạch, có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con cái tốt hơn; khuyên bảo con em không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, chị Chìu Kim Kiều, cán bộ truyền thông Trạm Y tế xã Quảng Lâm chia sẻ.
Cải thiện thể lực trẻ em từ 1.000 ngày vàng đầu đời
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 56 xã và 48 thôn vùng DTTS. Những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên… triển khai đồng bộ các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em với trọng tâm là dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời – giai đoạn vàng quyết định tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ.
Các trạm y tế xã tổ chức khám sàng lọc, đánh giá dinh dưỡng định kỳ cho bà mẹ mang thai và trẻ dưới 2 tuổi; tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, chế độ ăn dặm hợp lý; bổ sung vi chất cần thiết như sắt, kẽm, vitamin A. Trẻ em bị suy dinh dưỡng được can thiệp điều trị kịp thời, theo dõi tăng trưởng hằng tháng. Cùng với đó, hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà trong 42 ngày đầu sau sinh được duy trì đều đặn.
Bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu ân cần thăm khám, theo dõi tình hình bệnh nhân nhi đang điều trịHằng năm, tỉnh triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ dưới 5 tuổi, kết hợp cân đo theo dõi sự phát triển toàn diện, trong đó ưu tiên trẻ em DTTS, trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn. Các buổi trình diễn chế biến món ăn bổ dưỡng từ nguyên liệu địa phương được tổ chức ngay tại nhà văn hóa bản làng, giúp người dân dễ tiếp thu và áp dụng vào đời sống hằng ngày.
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngành y tế Quảng Ninh đang tiếp tục mở rộng các mô hình can thiệp hiệu quả; tăng cường đào tạo, tập huấn cho đội ngũ y tế cơ sở; phát huy vai trò Người có uy tín trong cộng đồng để đồng hành cùng chính quyền tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chính sách dân số và chăm sóc sức khỏe.
Những nỗ lực bền bỉ đó đang từng bước mang lại thay đổi tích cực: Tỷ lệ kết hôn sớm, sinh con thứ ba giảm dần; nhận thức của người dân về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe ngày càng được nâng cao; trẻ em vùng cao được phát triển trong điều kiện tốt hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.