Cụ thể Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu chỉ đạo xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” ở vùng đồng bào DTTS tập trung vào nhiều lĩnh vực. Đối với lĩnh vực phát triển kinh tế, đã xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, gia trại, phát triển ngành, nghề, làng nghề, tổ hợp tác xã… thu hút lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” với cách làm sáng tạo, hiệu quả đã góp phần nắm chắc tình hình Nhân dân, kịp thời đề xuất xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp ở cơ sở, giữ vững quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tiêu biểu như mô hình “Vận động quần chúng Nhân dân bản Mốc 13 phát triển kinh tế - xã hội, tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) thôn khu vực biên giới” của Đồn Biên phòng Quảng Đức, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động nắm vững tình hình địa bàn, tham mưu cho địa phương và phối hợp tuyên truyền các văn bản pháp luật để Nhân dân hiểu rõ và thực hiện.
Tham mưu tổ chức cho 90 hộ dân giáp biên giới ký kết tham gia phong trào “Quần chúng Nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn ANTT thôn, bản khu vực biên giới"; đặc biệt mô hình “Dòng họ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tự quản về ANTT” của dòng họ Long xã Bình Dân, huyện Vân Đồn đã xây dựng quy ước để giáo dục con, cháu trong dòng họ thực hiện tốt quy định của địa phương, không sa ngã vào các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, được Nhân dân đánh giá rất cao.
Giai đoạn 2009 – 2019, công tác xây dựng phong trào thi đua “Dân vận khéo” được quan tâm đẩy mạnh đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong lực lượng Công an toàn tỉnh, hạn chế và kéo giảm các vụ việc khiếu kiện phức tạp kéo dài nhiều năm, nhất là trong giải phóng mặt bằng, di rời chợ, tranh chấp đất rừng, đình công, lãn công… Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với lực lượng Công an tỉnh đã triển khai xây dựng 382 mô hình “Dân vận khéo” ở các cấp (211 mô hình tập thể, 171 cá nhân), phát huy ý nghĩa thực tiễn đối với công tác dân vận, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Ngoài các phong trào, hoạt động do Ban Dân vận phát động, thì đơn vị cũng đã đề xuất các cấp ủy, chính quyền cần nâng cao nhận thức về công tác dân vận, xác định rõ công tác dân vận là của cả hệ thống chính trị, phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Nhân dân và giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở, để Nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng của Nhân dân, đặc biệt chú trọng đến vùng đồng bào DTTS. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng để củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền tại địa phương.