Vận động, hỗ trợ người dân sản xuất
Cuộc sống của gia đình anh Ksor Rin (buôn Chư Jút, xã Chư Gu) trước đây vô cùng khó khăn, bữa no, bữa đói. Anh Rin cho biết, lúc khó khăn nhất, gia đình anh được già làng Rơ Com Pôk cho vay vốn không tính lãi rồi động viên, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ khác trong buôn cũng nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của già làng Rơ Com Pôk. Buôn có 387 hộ với 1.578 khẩu, trong đó 70% là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nhưng đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 35%. Nhiều hộ có thu nhập ổn định từ cây mì, chăn nuôi bò.
Theo
già làng Rơ Com Pôk, để người dân trong làng tin và làm theo, trước tiên ông vận động con cháu trong gia đình tích cực phát triển kinh tế, đầu tư chăm sóc 2 ha mì, 1 ha lúa, chăn nuôi hơn 20 con bò. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng. Từ kết quả đó, các gia đình khác trong làng hưởng ứng làm theo. Đối với những gia đình khó khăn, ông đứng ra vận động người dân trong làng chung tay giúp đỡ các gia đình nghèo, khó khăn về vật chất, nhà ở hay trao đổi kinh nghiệm làm ăn để cùng vươn lên trong cuộc sống.
Theo ông Ksor Thép-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Gu, dù tuổi cao, nhưng với uy tín của mình, già làng Rơ Com Pôk đã giúp chính quyền giải quyết nhiều mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở. “Từng có nhiều năm làm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, với kinh nghiệm và uy tín cao, ông Pôk luôn tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Già làng Rơ Com Pôk thực sự là “cầu nối” giữa bà con với chính quyền cơ sở trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc”-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Gu khẳng định.
Tuổi cao, gương sáng
Già làng Ksor Kuk (buôn H'Muk, xã Chư Ngọc), dù tuổi đã xấp xỉ 80 nhưng tình yêu dành cho buôn làng vẫn không thay đổi. Ông Kuk luôn trăn trở với tâm niệm làm thế nào để bà con đoàn kết, cùng nhau sống hạnh phúc. Gặp bất cứ chuyện gì từ nhỏ đến lớn, từ mâu thuẫn vợ chồng, con cái đến tranh chấp đất đai, bất hòa giữa các thành viên trong buôn, người dân cũng tìm đến nhờ già làng Kuk tư vấn, giải quyết và được ông hòa giải hợp tình, hợp ý.
Già làng Ksor Kuk thường xuyên phối hợp với Trưởng thôn tổ chức sinh hoạt mỗi tháng 1 lần để phổ biến pháp luật, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, quy định mới của Đảng và Nhà nước, vận động người dân từ bỏ hủ tục, mê tín dị đoan để tiết kiệm chi phí trong ma chay, cưới hỏi; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Ông là người đầu tiên áp dụng trồng lúa 2 vụ/năm tại buôn H'Muk, cũng là người tiên phong mua máy cày và áp dụng khoa học kỹ thuật trên 2 ha mì của gia đình; đầu tư nuôi hàng chục con bò lai, mỗi năm gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng. “Muốn người dân nghe và làm theo thì trước hết mình phải sống tốt, làm tốt, gương mẫu đi đầu trong mọi việc. Muốn vận động người dân phát triển kinh tế thì trước hết kinh tế gia đình mình phải vững”-già làng Ksor Kuk nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chư Ngọc-cho biết: Già làng Ksor Kuk không những dùng uy tín của mình để làm tốt công tác hòa giải mà còn sẵn sàng hướng dẫn người dân trong buôn H'Muk biết cách làm lúa 2 vụ. Với những đóng góp quan trọng, ông Ksor Kuk vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư từ năm 2014 đến năm 2018.
Rõ ràng, các già làng tiêu biểu huyện Krông Pa đã phát huy rất tốt vai trò tập hợp, củng cố, xây dựng bền chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, từng bước đẩy lùi và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng buôn làng vùng sâu, vùng xa ngày càng ấm no, phát triển.
(baogialai.com.vn)