Chính sách chưa tương xứng
Từ nhiều năm nay, các Trung tâm y tế huyện hay Trạm y tế xã vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Ninh còn gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí nguồn lực. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.
Trạm y tế xã Đồn Đạc có 7 cán bộ nhân viên y tế phụ trách địa bàn rộng nhất huyện miền núi Ba Chẽ. Từ đầu xã đến cuối xã khoảng 30 cây số, với gần 6.000 nhân khẩu. Những năm Covid bùng phát, nhiệm vụ khám chữa bệnh của Trạm y tế xã Đồn Đạc bị giảm sút, nhưng nhân viên y tế lại làm việc với cường độ gấp đôi mới có thể đảm nhận khối lượng công việc khổng lồ từ y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là tiêm phòng Covid -19...
Bác sĩ Nguyễn Thị Thắng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đồn Đạc chia sẻ: “Ngày thường thì tiền công trực đêm là 17.850 đồng/16 tiếng, còn cuối tuần là 35.000 đồng. Mức này cũng chỉ đủ mua 1 bát mỳ tôm với rau ăn trong 16 tiếng trực, thực sự chưa tương xứng với công sức chúng tôi bỏ ra trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân”.
Cũng chính vì thế, các trạm y tế cũng đang đối diện với việc thiếu nhân lực y tế do không thu hút được các bác sĩ về vùng miền núi công tác. Do vậy, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân vùng DTTS, miền núi còn hạn chế.
Ông Triệu Anh Tân, xã Điền Xá, huyện Tiên Yên ngậm ngùi: “Vì xa trung tâm nên người dân chúng tôi đến các Trạm y tế xã. Thế nhưng nhân viên ở đây thì ít, bác sĩ chuyên khoa không có, nhiều khi đến trạm cũng chưa thực sự yên tâm”.
Trên thực tế, các Trung tâm y tế tuyến huyện và Trạm Y tế tuyến xã vừa khó tuyển dụng được bác sĩ vừa tiếp tục giảm đi về số lượng vì nghỉ hưu, bỏ việc, thôi việc vẫn diễn ra... Đặc biệt với chế độ tiền lương, phụ cấp chưa tương xứng với công sức bỏ ra, các địa phương này khó "giữ chân" nhân lực bác sĩ gắn bó làm việc lâu dài tại đơn vị.
Bác sĩ Đoàn Ngọc Thanh - Giám đốc Trung Tâm y tế huyện Ba Chẽ cho biết: "Chúng tôi đang thiếu rất nhiều bác sĩ, đặc biệt là ở các chuyên khoa về hồi sức, gây mê và rất khó để tuyển dụng đối tượng này. Hiện nay, chúng tôi đang khắc phục bằng cách cho các bác sĩ tại đây đi học. Như vậy, 1 người phải kiêm rất nhiều vị trí”.
Tăng cường chính sách thu hút
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Ninh cần đạt trên 15 bác sĩ/10.000 dân (tương ứng với gần 2.300 bác sĩ). Hiện nay, toàn tỉnh có gần 2.100 bác sĩ (bao gồm cả y tế công lập và y tế tư nhân, đạt 14,8 bác sĩ/10.000 dân). Do đó, ngành Y tế cần bổ sung 268 bác sĩ để bảo đảm chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và bù đắp số lượng bác sĩ sẽ nghỉ hưu theo chế độ đến 2025.
Để thu hút đội ngũ này, cuối năm 2022, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học với viên chức ở các đơn vị y tế công lập của Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025.
Ông Nguyễn Trọng Diện - bác sĩ CKII, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, Sở Y tế đang xây dựng Đề án có 5 nội dung: Thu hút các bác sĩ chất lượng cho tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã; Nghị quyết luân phiên bác sĩ tiến tỉnh về tuyến huyện và đưa bác sĩ tuyến huyện về tuyến xã, đảm bảo 100% các cơ sở y tế tuyến huyện và xã đều có bác sĩ; nâng cao tiền phụ cấp trực của y tế tuyến xã; hỗ trợ cho y tế thôn bản đang không có phụ cấp đặc biệt là vùng sâu, vùng xa để các nhân viên y tế yên tâm gắn bó với nghề.
“Theo dự thảo đề án, ngành Y tế Quảng Ninh sẽ thực hiện hỗ trợ theo tháng, hỗ trợ một lần, hỗ trợ tiền thuê nhà cho các cán bộ y tế tới Quảng Ninh công tác; đặc biệt đối với đối tượng thu hút là nữ hoặc là người DTTS vào làm việc tại các trạm y tế xã phường, thị trấn thuộc địa bàn các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, Cô Tô”, ông Diện nhấn mạnh.
Đây là những giải pháp thiết thực, riêng có của Quảng Ninh dành cho đội ngũ y tế nhất là y tế tuyến cơ sở, tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết.