Hội nghị phát triển sản phẩm du lịch các vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Bình năm 2022 vừa được Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình tổ chức. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch thuộc Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2022.
Vùng đồng bào DTTS , biên giới và miền núi Quảng Bình có diện tích khoảng 3.845km2, chiếm hơn 47% diện tích toàn tỉnh và dân số hơn 45 nghìn người (chiếm khoảng 4,98% dân số toàn tỉnh); có 9 xã biên giới với hơn 222km tiếp giáo với nước bạn Lào.
Riêng đồng bào DTTS sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 15 xã và 3 bản trên địa bàn các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy, với hơn 27.000 người.
Đây là địa bàn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong dọc theo hệ thống đường Hồ Chí Minh lịch sử.
Với hơn 40 sản phẩm du lịch hiện đang khai thác trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm du lịch văn hóa tại khu vực đồng bào DTTS và miền núi đã bước đầu tạo sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Việc phát triển du lịch tại khu vực này vừa làm đa dạng hóa, bổ sung dịch vụ cho các sản phẩm du lịch hiện có của các địa phương, đồng thời góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế-xã hội của người dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong khẳng định, Quảng Bình là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa. Những năm qua, du lịch Quảng Bình đã biết phát huy lợi thế về tài nguyên. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch Quảng Bình nói chung và tại các khu vực các đồng bào DTTS và miền núi nói riêng chưa tương xứng với tiềm năng.
Các sản phẩm du lịch còn thiếu đa dạng, thiếu ý tưởng. Sự tham gia và lợi ích của người dân địa phương còn hạn chế. Để khai thác tiềm năng hiệu quả, mang lại giá trị lớn và bảo tồn văn hóa lâu dài, du lịch Quảng Bình cần dựa vào tài nguyên tuy nhiên, cũng cần tính toán lợi ích bền vững cho cộng đồng làm du lịch.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị, Sở Du lịch cần tiếp tục tổ chức các hoạt động nhằm thu hút, tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo trong xây dựng các sản phẩm du lịch; phối hợp với các ban, ngành liên quan để tham cho UBND tỉnh phân bổ nguồn lực trong nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm du lịch.
Để phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế về tài nguyên du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch bền vững, ngành Du lịch cần kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có bề dày hoạt động trong lĩnh vực du lịch đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội và phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch, du lịch văn hóa tại Quảng Bình.
Tại Hội nghị, các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận, đánh giá về thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh; tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng DTTS và miền núi tại Quảng Bình.
Từ đó, đề xuất các sản phẩm du lịch, khuyến nghị các cơ chế chính sách để thúc đẩy đa dạng hóa các sản phẩm du lịch với trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Dịp này, Sở Du lịch cũng đã giới thiệu kênh Tiktok Du lịch Quảng Bình với tên gọi “Visit Quang Binh” để đẩy mạnh quảng bá du lịch Quảng Bình đặc biệt là các giá trị văn hóa độc đáo của các DTTS và miền núi tỉnh Quảng Bình.