Pờ Nhù Nu thuộc thế hệ 8X. Từ nhỏ, cô đã ảnh hưởng tố chất và niềm đam mê văn hoá dân tộc Hà Nhì từ bố là ông Pờ Lỳ Cà (bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè). May mắn được gia đình ủng hộ nên dù khó khăn, Pờ Nhù Nu vẫn được gia đình tạo điều kiện cho đi học trung cấp múa từ khi mới học lớp 6, sau đó hoàn thiện trình độ cao đẳng (năm 2014) và đại học (tại Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội năm 2016, chuyên ngành Biên đạo múa). Hiện nay, Pờ Nhù Nu đang hoạt động biểu diễn và biên đạo múa tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, cô gái Hà Nhì bé nhỏ ngày nào nay đã trưởng thành trong sự nghiệp.
Pờ Nhù Nu luôn nhiệt huyết trong vai trò một nghệ sĩ biểu diễn và một biên đạo múa. Cô luôn suy nghĩ, chỉ có con đường trở thành biên đạo múa mới khiến khát khao được cống hiến cho nghệ thuật múa trở thành hiện thực. Pờ Nhù Nu từng nhận Bằng khen của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam khi tham gia các cuộc thi sáng tác các tác phẩm múa Việt Nam lần thứ Nhất; nhận giải C Giải thưởng thường niên của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam năm 2015 với tác phẩm múa “Mùa vàng trên biên cương”.
Pờ Nhù Nu luôn nhiệt huyết trong vai trò một nghệ sĩ biểu diễn và một biên đạo múa. Cô luôn suy nghĩ, chỉ có con đường trở thành biên đạo múa mới khiến khát khao được cống hiến cho nghệ thuật múa trở thành hiện thực.
Những tiết mục múa tiêu biểu do Pờ Nhù Nu biên đạo phải kể đến: Tiếng vọng Là Khư (của dân tộc Hà Nhì), Mùa vàng trên biên cương (Hà Nhì hoa), Đường tuần tra (dân tộc Mông), Khoe khăn (dân tộc Giáy), Nhịp sống (dân tộc Lự), Mùa thay lá (dân tộc La Hủ)... Nhiều tác phẩm đã đạt giải thưởng cao ở các hội diễn, hội thi văn nghệ quần chúng toàn tỉnh, toàn quốc như: Sợi hoa Ka Lăng, Tình núi, Tính tẩu nhớ thương, Hoa xuân bản Giáy, Cô gái bên khung cửi...
Bên cạnh những tác phẩm múa thể hiện cuộc sống bình dị, tươi đẹp, văn hoá độc đáo của người Hà Nhì, Pờ Nhù Nu còn thử sức, đam mê nghiên cứu, sáng tác điệu múa từ chất liệu dân gian của các dân tộc khác ở Lai Châu, đặc biệt là các dân tộc rất ít người như Cống, Mảng, Si La, La Hủ,... Cô coi chất liệu dân gian của các dân tộc anh em trên quê hương Lai Châu là kho báu đầy sức sống, không bao giờ cạn kiệt. Càng tìm, càng nghiên cứu lại càng phát hiện ra nhiều cái hay, cái đẹp, tạo nên cảm hứng sáng tạo không bao giờ ngừng nghỉ trong con người nghệ sĩ.
Pờ Nhù Nu cho rằng, múa cũng như các ngành nghệ thuật khác, cần phải phản ánh được hiện thực cuộc sống, hướng đến các giá trị nhân văn tốt đẹp. Trong quá trình nghiên cứu, sáng tác, cần tạo nên những giá trị nghệ thuật phù hợp. Pờ Nhù Nu quan niệm, sáng tạo không cần phải để đạt tới những gì cao siêu mà chỉ cần hướng tới chân giá trị, cần thực tế, dân dã, gần gũi với đời sống của Nhân dân như nó vốn có. Bởi chỉ có như vậy, nghệ thuật múa mới có thể tiếp cận, dễ lan toả và dễ đi vào lòng người.
Pờ Nhù Nu cảm thấy rất hứng khởi khi được tham gia vào công tác phục dựng, bảo tồn văn hoá ở cơ sở. Những đợt phục dựng dài ngày về múa dân tộc Mông ở Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, múa dân tộc Thái ở Vàng Pheo, huyện Phong Thổ, múa dân tộc Hà Nhì ở Ka Lăng, Thu Lũm, huyện Mường Tè... giúp cô càng có ý thức hơn về việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa dân gian các dân tộc ít người.
Gần đây, Pờ Nhù Nu thành lập Câu lạc bộ múa. Tại Câu lạc bộ của mình, cô trực tiếp giảng dạy bộ môn múa, khiêu vũ hiện đại cho các học viên nhỏ tuổi; thực hiện dàn dựng nhiều chương trình, tiết mục múa cho nhiều đơn vị, cơ quan trong tỉnh. Bằng nhiệt huyết của mình, Pờ Nhù Nu luôn khát khao được cống hiến trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, đặc biệt là trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá các dân tộc tỉnh Lai Châu thông qua nghệ thuật múa.