Xây dựng thương hiệu
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phú Yên, hiện toàn tỉnh xây dựng được 23 chuỗi và nhóm chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và HTX nông nghiệp. Từ năm 2020 đến nay, 6 HTX có sản phẩm OCOP đạt chứng nhận cấp tỉnh, gồm HTX Nông nghiệp An Nghiệp với sản phẩm gạo thơm Hoa Vàng; HTX Nông nghiệp Xuân Phước với sản phẩm dầu đậu phộng Xuân Phước; HTX Nông nghiệp Hòa Phong với sản phẩm rượu tằm Hòa Phong; HTX Du lịch cộng đồng An Mỹ (huyện Tuy An) với sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại Mộc Miên Rooky garden, và nước lau sàn sinh học Đồng Din của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa); bột hạt sen Hòa Đồng của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng (huyện Tây Hòa).
Thời gian qua, gạo chất lượng cao An Nghiệp (huyện Tuy An) được nhiều người biết tới, không chỉ đây là sản phẩm gạo đầu tiên của thành phần KTTT hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; mà còn bởi sản phẩm này đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh đầu tiên của Phú Yên. Cái tên HTX Nông nghiệp An Nghiệp nhờ đó, được khẳng định và cái nhìn về KTTT, HTX cũng dần thay đổi.
Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp chia sẻ: Một thời gian dài, cái tên HTX, khiến cả bà con lẫn đối tác e dè khi hợp tác. Không có sản phẩm riêng, nên tiếng nói của HTX trên thương trường cũng rất yếu thế. Nông sản theo đó không đạt được hiệu quả kinh tế.
Việc tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp, có được sản phẩm thương mại, đã giúp HTX có chỗ đứng trên thị trường, mở rộng mối quan hệ hợp tác sản xuất. Giờ đây, không chỉ bà con tin tưởng, mà nhiều đối tác tìm tới hợp tác tiêu thụ sản phẩm với HTX.
Khẳng định được cách làm thông qua chuỗi giá trị, các HTX còn góp phần cùng địa phương phát triển thêm mô hình sản xuất mới trên những cây trồng mới. Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, thành công của sản phẩm dầu đậu phộng của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước, không chỉ tạo tiếng vang cho xã trong phát triển kinh tế, đổi thay bộ mặt nông thôn miền núi, mà còn tạo động lực để các xã khác trong huyện, tích cực tìm kiếm cây trồng, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Từ thành công này, địa phương tiếp tục đầu tư phát triển mô hình sản xuất tinh bột nghệ tại HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Xuân Sơn Nam, và sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Phú Yên năm 2021.
Giúp các HTX lên sàn thương mại điện tử
Cũng theo Sở NN&PTNT, năm qua, đơn vị đã hỗ trợ các HTX tiếp cận ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước đưa các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của HTX lên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), như ocop.vn, https://htx.cooplink.com.vn/connect, http://sanocop.vn.
Đồng thời, Sở phối hợp với Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel ký kết hợp tác đưa nông sản của HTX lên các sàn TMĐT của hai đơn vị này. Nhiều sản phẩm của HTX đã có mặt trên các gian hàng trong Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa như, bột sen, bánh khóm, nước ép khóm, gạo thơm hoa vàng, rượu tằm…
Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din, bày tỏ: Nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại qua công nghệ 4.0, sản phẩm của HTX được nhiều khách hàng trong nước và quốc tế biết tới. Hiểu được tầm quan trọng của TMĐT, HTX đã chủ động lập website http://nangtamnongsanviet.com kết hợp với kênh youtube và cả trang cá nhân facebook, để duy trì sự có mặt của các sản phẩm trên không gian TMĐT.
Còn theo Liên minh HTX tỉnh, qua kênh của hệ thống Liên minh HTX, 18 sản phẩm của 9 HTX trên địa bàn tỉnh được đăng trên cổng thương mại điện tử lmhtxvnmart.com.vn và vcamart.vn của Liên minh HTX Việt Nam. Nhiều HTX còn chủ động liên kết với các trang như shopee, tiki… để tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Nếu để các HTX tự đi có thể phải mất 5 - 10 năm nữa, mới hoàn thiện được sản phẩm và có mặt trên các sàn TMĐT. Chính chủ trương xây dựng chuỗi giá trị nông sản thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã giúp các HTX rút ngắn được thời gian, tiết kiệm chi phí và hơn hết khẳng định được vị trí của mình trên thị trường.
Mới 5 năm trước, sản xuất tại các HTX chỉ dừng lại ở hỗ trợ hoạt động nông nghiệp, quản lý vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến;Số HTX có sản phẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay, và sản phẩm đó cũng chỉ tiêu thụ được ở phạm vi làng, xã, chưa đủ sức ra thị trường. Còn nay, từ chuỗi liên kết gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm làng nghề (OCOP), HTX làm chủ được các khâu sản xuất, chế biến, thành phẩm; đưa sản phẩm ra phạm vi cấp tỉnh và hơn thế nữa.
Tuy nhiên, so với các chuỗi liên kết sản phẩm nông lâm thủy sản của các đơn vị kinh tế khác thì, chuỗi liên kết nông sản của các HTX quy mô nhỏ, tính ổn định thấp. “Để bảo đảm tính bền vững của chuỗi giá trị nông nghiệp tại các HTX, đơn vị định hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với các sản phẩm chủ lực. Đồng thời, bản thân các HTX cũng phải củng cố và nâng cao năng lực bộ máy lãnh đạo, chất lượng sản phẩm phải ổn định và mang tính đặc thù thì sức cạnh tranh sẽ cao hơn”, ông Lam chia sẻ thêm.