“Kho báu” dược liệu dưới tán rừng
Cùng với địa hình đa dạng xen kẽ giữa các núi cao hùng vĩ, là các cao nguyên rộng lớn đất đỏ bazan, khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, phù hợp với đa dạng của các loài thực vật phát triển và nguồn lao động dồi dào, Đắk Nông giàu tiềm năng để phát triển nhiều loại dược liệu.
Điển hình như huyện Đắk Glong, có địa hình đa dạng và phong phú, xen kẽ là các thung lũng, với độ cao trung bình trên 800m. Tài nguyên thiên nhiên lớn nhất của huyện chính là những cánh rừng tự nhiên xanh thẳm, với diện tích gần 126 ha, độ che phủ 65%.
Giai đoạn 2019 - 2020, Viện dược liệu đã từng điều tra, đánh giá tiềm năng, hiện trạng nguồn tài nguyên cây thuốc tỉnh Đắk Nông nói chung và huyện Đắk Glong nói riêng. Theo đó, Viện dược liệu đã xác định được trên địa bàn huyện Đắk Glong có 24 loài/nhóm loài cây thuốc có tiềm năng khai thác tại kiểu rừng cây lá rộng thường xanh thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tà Đùng tại xã Đắk Som và xã Đắk R’Măng và vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, xã Quảng Sơn, trong đó có nhiều loài dược liệu quý.
Tương tự, lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành (Công tay Đại Thành) đóng chân trên địa bàn huyện Đắk Mil, cũng đang sở hữu tiềm năng lớn về dược liệu.
Công ty Đại Thành quản lý hơn 18.200 ha rừng và đất rừng, trong đó đất có rừng hơn 17.200 ha và 100 ha rừng trồng. Qua điều tra, khảo sát, Công tay Đại Thành xác định bên trong những cánh rừng thuộc lâm phần quản lý có gần 300 loài dược liệu, có những loại trữ lượng rất lớn có nhiều tiềm năng để đưa vào khai thác lâu dài như: Xáo tam phân, sâm xuyên đá, gối hạt, sâm tiên mao, huyết đằng…; trong đó có những loại thuốc quý, nằm trong danh mục cần được bảo tồn.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn dược liệu tự nhiên chưa được khai thác và phát huy giá trị. Theo kết quả điều tra mới nhất của Viện dược liệu, về tình hình khai thác dược liệu tự nhiên cho thấy, người khai thác chủ yếu là các hộ gia đình đơn lẻ, hoạt động một cách tự phát theo đặt hàng của đầu mối thu gom hoặc nhu cầu sử dụng trực tiếp. Các cây thuốc được khai thác nhiều là Chuối hột, Chè dây, Thiên niên kiện, Na rừng, Huyết đằng, Khúc khắc.
Thế mạnh trồng và sản xuất dược liệu
Ngoài nguồn dược liệu dưới tán rừng phong phú, tỉnh Đắk Nông còn là vùng đất hội tụ nhiều tiềm năng trồng, sản xuất dược liệu. Toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 725 loài thực vật, nấm, khoáng vật có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loài đã được di thực, nhân giống thành công. Hiện có khoảng gần 20 loài được triển khai trồng tự phát theo nhu cầu thị trường hoặc theo các chương trình/dự án.
Cũng tại huyện Đắk Glong có gần 16.700 ha đất nông nghiệp, với hệ thống sông suối đa dạng, thuận lợi để phát triển kinh tế sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển dược liệu quý dưới tán rừng. Những năm qua, huyện đã quan tâm phát triển dược liệu, việc trồng một số loài cây dược liệu trên địa bàn huyện đã bước đầu thành công.
Đặc biệt, nhiều loài cây dược liệu quý có giá trị kinh tế, giá trị y tế cao, các loài có nguy cơ tuyệt chủng đã được huyện đã phối hợp với các Viện nghiên cứu, Trường Đại học đưa vào thử nghiệm thành công, hoạt tính đạt yêu cầu theo dược điển. Điều này chứng tỏ khả năng thích nghi về sinh thái, cũng như chất lượng dược liệu đảm bảo cho việc phát triển nguồn dược liệu.
Tại Đắk Glong, dược liệu được trồng chủ yếu tại xã Đắk Ha, Quảng Sơn với diện tích khoảng 70ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 161 tấn, với các loại chủ yếu sâm bố chính, sâm đương quy, cát sâm, nghệ bọ cạp…
Không riêng huyện Đắk Glong, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng đã quan tâm phát triển dược liệu như Đắk Mil, Krông Nô,…
Những năm qua, các cấp, ngành chuyên môn đã tiến hành điều tra, nghiên cứu về nguồn cây thuốc tự nhiên, phát triển thêm vùng nguyên liệu và liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống dược liệu để cung cấp giống bảo đảm tiêu chuẩn cho nông dân sản xuất. Công tác bảo vệ đi đôi với khai thác, chế biến, sử dụng, từng bước được các đơn vị chú trọng. Nhìn chung, các loại dược trồng tại những vùng có điều kiện khí hậu đất đai phù hợp để tạo thành vùng nguyên liệu tương đối tập trung, nên thuận lợi cho việc thu hoạch và chế biến.
Theo Hội Đông y tỉnh, khảo nghiệm bước đầu đối với một số cây trồng khi di thực từ rừng về trồng, chăm sóc trong điều kiện ở vườn nhà, rẫy cho thấy, cây sinh trưởng phát triển tốt hơn khi trong rừng. Khả năng mở rộng về quy mô, sản xuất hàng hóa là rất lớn. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, việc khai thác, sử dụng tài nguyên rừng chưa hợp lý khiến nguồn cây thuốc bị mai một dần.
Bà Hoàng Thị Hồng Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Đắk Glong cho biết: Huyện Đắk Glong có 7 xã, 61 thôn bon, trong đó có 30 bon đồng bào DTTS tại chỗ. Toàn huyện có 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm 52,08%.
Đắk Glong diện tích rừng tự nhiên, với diện tích gần 126 nghìn ha, độ che phủ 65%, cùng với diện tích đất nông nghiệp gần 16,7 nghìn ha và hệ thống sống suối đa dạng tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển dược liệu quý dưới tán rừng. Nhiều người dân, nhất là đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đắk Glong có thêm nguồn thu nhập từ việc khai thác, trồng dược liệu.
Với nhiều lợi thế sẵn có, tỉnh Đắk Nông đã đưa ra những quyết sách đánh thức tiềm năng để phát triển cây dược liệu thành một thành tố quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.