Với tổng nguồn vốn hơn 248 tỷ đồng được tỉnh giao trong 02 năm 2022 và 2023, huyện Minh Hóa đã thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình MTQG 1719. Trong đó, đặc biệt là việc hỗ trợ sinh kế, hoàn thiện hạ tầng và hỗ trợ nhà ở... cho đồng bào DTTS.
Trọng Hóa là xã biên giới, thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa. Với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, Trọng Hóa là nơi sinh sống của hơn 900 hộ với gần 4.500 nhân khẩu là đồng bào DTTS, trong đó đồng bào dân tộc Chứt chiếm phần lớn. Từ nguồn của Chương trình MTQG 1719, xã Trọng Hóa đã phân bổ hơn 1,2 tỷ đồng cho việc chi hỗ trợ khoán bảo vệ rừng trong thời gian dài; đồng thời hỗ trợ và khuyến khích người dân trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa, như lim, trắc, trầm dó, trám… Hiện trên địa bàn xã đã có nhiều hộ đồng bào trồng rừng bằng giống cây bản địa, bước đầu cây phát triển tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tương tự, tại xã Hóa Sơn, người dân được hỗ trợ thực hiện mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò. Mỗi hộ dân được vay vốn để xây chuồng và mua bò sinh sản. Một số hộ dân khác được chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả như bưởi da xanh để nâng cao hiệu quả cây trồng. Ngoài ra, chính quyền xã còn ký kết hợp tác với doanh nghiệp để thu mua toàn bộ sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho bà con yên tâm canh tác và mở rộng diện tích cây trồng.
Không chỉ giúp người dân có thêm hướng đi mới trong phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Minh Hóa cũng được vay vốn để xây dựng nhà ở từ nguồn vốn Dự án 1 Chương trình MTQG 1719.
Ông Cao Ngọc Điền, Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa cho biết: Căn cứ kết quả rà soát nhu cầu hỗ trợ từ các địa phương, UBND huyện Minh Hóa đã ra quyết định phê duyệt danh sách 430 hộ gia đình đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở trong Dự án 1. Trong 430 hộ gia đình đã được phê duyệt, hiện trên địa bàn huyện đã có 175 hộ gia đình đang đồng loạt triển khai các bước để tiến tới xây dựng nhà mới.
“Đặc biệt tại xã Hóa Sơn, hiện đã có 2 hộ gia đình đã khởi công làm nhà mới. Nhờ có nơi ở mới, người dân phấn khởi bởi không phải chịu cảnh mưa, bão, nước dột. Với ngôi nhà kiên cố, người dân thêm yên tâm ổn định để làm ăn, nuôi dạy con cái. Ngoài xã Hóa Sơn, một số xã khác của huyện Minh Hóa cũng hỗ trợ cho người dân vay vốn để làm nhà ở: xã Dân Hóa, xã Hóa Tiến, xã Trọng Hóa, xã Thượng Hóa…” , ông ĐIền cho biết thêm.
Với nỗ lực triển khai Chương trình MTQG 1719, đến nay trên địa bàn huyện Minh Hóa, hàng loạt các mô hình chuyển đổi cây trồng, bảo vệ rừng và trồng lúa, chăn nuôi gia súc và trồng hoa màu đã được triển khai rộng rãi, đã góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương...
Đồng thời, đến nay huyện Minh Hóa cũng đã cơ bản đã thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra về giao thông, trường học, nhà văn hóa theo kế hoạch. Hiện 100% số xã có đồng bào DTTS sinh sống đều có đường giao thông kiên cố nối với trung tâm xã; khoảng 80% thôn, bản có đồng bào DTTS sinh sống có đường giao thông được kiên cố hóa bằng bê tông hoặc rải cấp phối, góp phần đáp ứng tốt cho nhu cầu đi lại, giao thương giữa các vùng miền. Hệ thống trường lớp cơ bản được xây dựng kiên cố, khang trang, đáp ứng 80% nhu cầu học tập của con em vùng đồng bào DTTS. 100% các xã có đồng bào DTTS sinh sống đều có trạm y tế và 3 trạm quân dân y kết hợp (tại các xã Thượng Hóa, Dân Hóa, Trọng Hóa) để tăng cường nhiệm vụ chăm sóc y tế cho bà con DTTS; 90% bà con được dùng điện thắp sáng; 60% thôn, bản có nhà văn hóa để sinh hoạt...
Có thể thấy, Chương trình MTQG 1719 được triển khai tại Quảng Bình đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả đã được nhân rộng; hạ tầng kinh tế - xã hội được tiếp tục cải tạo, đầu tư nâng cấp… Môi trường nông thôn trở nên xanh, sạch, đẹp, trật tự an toàn ổn định.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 là 1.757,5 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương gần 1.598 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh gần 160 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ cho 10 dự án đảm bảo đúng tỷ lệ quy định. Năm 2023, nguồn vốn phân bổ thực hiện Chương trình hơn 433 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương vùng đồng bào DTTS xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch, y tế, văn hóa, giáo dục… nhằm mục đích nâng cao nhận thức, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.