"Báu vật sống' nơi buôn làng
Trong căn nhà dài truyền thống của mình, nghệ nhân Điểu K’Bôi, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) trưng bày những chóe rượu cần, xà gạc, vải thổ cẩm… những vật dụng dùng trong sinh hoạt của người Mạ.
Nghệ nhân Điểu K’Bôi, là một trong những nghệ nhân hiếm hoi ở địa phương đang sở hữu bộ chiêng 6 và tự chế tác được một số nhạc cụ dân tộc truyền thống và phục dựng được những căn nhà dài truyền thống. Ông bảo, làm vậy là để giữ bản sắc của đồng bào mình.
Nghệ nhân Ưu tú Điểu K’Bôi chia sẻ: “Mình làm nhà dài nhiều rồi, mà toàn những lần đi dự thi văn hóa của tỉnh thôi. Giờ mới phục dựng được căn nhà riêng của gia đình. Có nhà dài này, thì mới có ăn trâu, ăn bò, có vui vẻ mỗi khi lễ hội hay dịp xuân về”.
Ngôi nhà dài của gia đình được nghệ nhân Điểu K’Bôi phục dựng theo đúng mẫu nhà dài truyền thống, được hoàn thiện cuối năm 2021. Ngôi nhà được làm hoàn toàn từ vật liệu tự nhiên, như lá mây, cỏ tranh, cây lồ ô… Sàn nhà cách mặt đất khoảng 50 cm và làm bằng phên tre, mái lợp lá mây, cỏ tranh, các cột kèo được gia cố với nhau bằng sợi mây cực kỳ bền chắc.
Dù không lớn, không quy mô mà nói theo lời nghệ nhân K’Bôi thì, “chỉ bằng 3 sải tay” nhưng ngôi nhà dài này, là niềm kỳ vọng, tự hào không của riêng gia đình ông mà còn với buôn làng người Mạ nơi này.
Không chỉ biết phục dựng nhà dài truyền thống, sử dụng thành tạo cồng chiêng, nghệ nhân Điểu K’Bôi còn biết làm và sử dụng thành thục các nhạc cụ truyền thống của người Mạ.
Với những đóng của ông trong gìn giữ, trao truyền, phát huy bản sắc văn hóa, năm 2022, nghệ nhân Điểu K’Bôi được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú về lĩnh vực trình diễn dân gian.
Tại Điện Biên, Nghệ nhân ưu tú Lường Thị May được biết đến bởi những cống hiến, đóng góp cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của người Lào ở Ðiện Biên. Đồng thời, cũng là một trong số rất ít người dành nhiều tâm huyết sưu tầm, thể hiện gần như nguyên vẹn các bài dân ca, dân vũ, tế lễ, nghi thức dân gian của dân tộc Lào. Bao năm nay, trong hầu hết lễ hội, sự kiện văn hóa của cộng đồng dân tộc Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đều có sự hiện diện của Nghệ nhân May
Bà cũng là người dành nhiều tâm sức tìm hiểu, nghiên cứu, khôi phục nhiều loại hình văn hóa dân gian của dân tộc. Ngoài các điệu múa, trò chơi dân gian, thì bà sưu tầm tài liệu về các bài cúng, các lễ hội như: Mừng cơm mới; lễ tạ ơn; mừng nhà mới; lễ đưa dâu về nhà chồng, múa lăm vông…
Trong đó, tiêu biểu phải kể đến việc phục dựng thành công tết Té nước (Bun Huột Nặm) của người Lào. Ngày nay, Tết té nước của dân tộc Lào đã được khôi phục, duy trì tổ chức thường niên không chỉ với người Lào Núa Ngam, mà còn ở nhiều cộng đồng dân tộc Lào các địa phương trong tỉnh Điện Biên. Lễ hội này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với khả năng thực hành các nghề truyền thống, nghệ thuật diễn xướng, các nghệ nhân ở các thôn làng trên cả nước không ngừng nỗ lực gìn giữ, cống hiến, sáng tạo và trao truyền lại cho lớp cháu con. Họ tích cực tham gia các hội thi, hội diễn do ngành Văn hóa, các địa phương tổ chức. Họ không nề hà tuổi cao sức yếu, sẵn sàng đứng lớp truyền dạy từ điệu múa xoang, cách đánh chiêng, chỉnh chiêng, điệu dân ca dân vũ, đến cách làm các vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Tại Hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số được tổ chức mới đây (ngày 18/11), Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã khẳng định, trong những năm qua Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa các DTTS.
Cần cơ chế đãi ngộ kịp thời
Có thể khẳng định, mỗi dân tộc trong đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam đều mang trong mình những giá trị văn hóa truyền thống quý giá, đặc trưng riêng. Các nghệ nhân, già làng, trưởng bản vùng DTTS, chính là những hạt nhân, là đầu tầu gương mẫu, có vị trí và đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, vận động và trao truyền cho con em mình, đồng bào mình bảo tồn kho tàng văn hóa quý báu của dân tộc.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, có dự án 6 với nhiều mục tiêu, nội dung cụ thể nhằm bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đó là minh chứng thể hiện sự quan tâm cụ thể, thiết thực của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, luôn luôn xác định văn hóa của đồng bào DTTS là một nguồn nội lực, cùng với các giá trị khác để làm nên sức mạnh phát triển kinh tế -xã hội, phát triển vùng đồng bào, đặc biệt là để khẳng định với thế giới về giá trị, bản sắc, sự giàu có phong phú, đa dạng về văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, số nghệ nhân trong cộng đồng ít dần đi mà không có lớp kế cận. Ðể giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bên cạnh vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước cùng các chính sách hiệu quả về bảo tồn văn hóa, di sản... thì, cần có những cơ chế đặc thù đãi ngộ, động viên và tôn vinh đội ngũ nghệ nhân nhiều hơn nữa, kịp thời hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương, của cộng đồng kịp thời, để họ phát huy mọi khả năng đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.
Việc thực hiện những chính sách này, sẽ góp phần phát huy vai trò, tính sáng tạo của nghệ nhân trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời giúp họ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác bảo tồn di sản cho đội ngũ kế cận.