Nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Y học Ung thư và Sinh học Tế bào (Viện Centenary) của Australia thực hiện đã tiết lộ những phát hiện quan trọng về cơ chế phân tử cơ bản của bệnh ung thư vú.
Phát hiện này mở ra triển vọng về một phương pháp điều trị mới hiệu quả hơn đối với căn bệnh vốn cướp đi tính mạng của hơn 3.000 người ở Australia mỗi năm.
Theo phóng viên tại Sydney, trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí khoa học Cellular & Molecular Life Science, các nhà khoa học tại Viện Centenary đã tập trung xem xét vai trò của một loại Protein, được gọi là VIRMA, trong quá trình phát triển của khối u vú.
Họ phát hiện ra rằng nồng độ VIRMA cao bất thường đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư vú và điều này liên quan mật thiết đến khả năng sống sót ở các bệnh nhân bị ung thư.
Cụ thể, nghiên cứu tiết lộ rằng tồn tại một biến thể khác biệt của VIRMA, khu trú trong nhân tế bào, được khuếch đại (Amplified) và thể hiện quá mức (Overexpressed) đối với khoảng 15 - 20% trường hợp ung thư vú.
Nghiên cứu cho thấy VIRMA đã thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư vú bằng cách tác động đến sự biến đổi hóa học của các phân tử RNA - một loại phân tử polyme cơ bản có nhiều vai trò sinh học trong mã hóa, dịch mã, điều hòa và biểu hiện của gene.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã xác định được một phân tử RNA cụ thể có tên là NEAT1. Phân tử này tương tác với VIRMA và cũng làm cho các tế bào ung thư phát triển mạnh hơn.
Tiến sỹ Justin Wong - người đứng đầu Chương trình Sinh học biểu sinh và RNA thuộc Viện Centenary, một trong những tác giả chính của nghiên cứu - mô tả điều thú vị nhất mà các nhà nghiên cứu quan sát thấy là các tế bào ung thư vú có nồng độ VIRMA cao rất nhạy cảm và có nguy cơ bị chết trong môi trường “căng thẳng kéo dài.”
Việc phát hiện ra tình trạng “dễ bị tổn thương” của các tế bào có nồng độ VIRMA cao có thể mở ra phương pháp trị liệu mới trong điều trị ung thư vú.
Tiến sỹ Wong cho biết: “Dựa trên những phát hiện mới, chúng tôi có thể tái sử dụng một số loại thuốc trị liệu có khả năng kích hoạt phản ứng căng thẳng để nhắm đến các mục tiêu và loại bỏ các tế bào ung thư vú chứa hàm lượng VIRMA cao. Bằng cách tập trung vào các tế bào ung thư biểu hiện quá mức (Overexpressing) VIRMA, mục tiêu đặt ra là nhằm tăng cường phản ứng căng thẳng trong các tế bào ung thư và cuối cùng buộc chúng phải tự chết đi”.
Tiến sỹ Wong cho biết thêm ung thư vú vẫn là một mối quan tâm cấp bách đối với sức khỏe cộng đồng và bước đột phá trong nghiên cứu này mang lại hy vọng mới cho việc phát triển các phương pháp điều trị có mục tiêu và hiệu quả.