Nguyên nhân phổ biến của bệnh ung thư
Tác động của môi trường: tia cực tím, bức xạ ion hóa...
Lối sống kém lành mạnh: hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia...
Các yếu tố về mặt sinh học như: độ tuổi, giới tính, màu da...
Di truyền: ung thư có tỷ lệ di truyền khoảng 5-10%.
Các yếu tố ngoại cảnh từ nghề nghiệp: thường xuyên làm việc ngoài trời, dưới nắng nóng, tiếp xúc nhiều với hóa chất...
Một số loại vi khuẩn, virus liên quan đến cơ chế sinh bệnh ung thư.
Dấu hiệu của bệnh ung thư
Ung thư là tình trạng tăng trưởng không kiểm soát các tế bào bất thường, dẫn đến xâm lấn và phá hủy cấu trúc mô bình thường của cơ thể, từ đó hình thành nên các khối u.
Khối u có thể là lành tính (không phải ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Trong khi những khối u lành tính không xâm lấn vào các cơ quan và các mô xung quanh của cơ thể thì ngược lại u ác tính sẽ phát triển. Nếu những tế bào này không được xử lý hay điều trị kịp thời, chúng có thể xâm lấn ra ngoài phạm vi ban đầu và vào những mô xung quanh, trở thành ung thư xâm lấn.
Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu sau đây bạn cần đi khám bác sĩ ngay:
Thay đổi thói quen của ruột: đột nhiên có rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy dai dẳng, nhất là ở người trên 40 tuổi thì cần cảnh giác ung thư ruột.
Vết sùi loét không chịu lành: vết lở loét ngày càng trầm trọng, dù điều trị tích cực vẫn không lành hoặc một vết lở nhỏ, một chồi cứng dai dẳng ít đau trong miệng (môi, lưỡi, amidal) ở đàn ông trên 40 tuổi, hút thuốc nhiều thì nên cảnh giác ung thư.
Chảy máu bất thường ở âm đạo đối với phụ nữ trên 30 tuổi thì cảnh giác ung thư cổ tử cung.
Phụ nữ có cục u ở vú không đau hoặc ít đau phải cảnh giác ung thư vú.
Ăn không tiêu ở người trên 40 tuổi có thể là dấu hiệu của ung thư bao tử.
Khó nuốt, nuốt nghẹn thì cần cảnh giác bệnh ung thư thực quản.
Ho dai dẳng không rõ nguyên nhân ở người trên 40 tuổi hút thuốc nhiều, kèm đàm máu, có thể là triệu chứng ung thư phổi.
Khản tiếng kéo dài có thể do ung thư thanh quản, đặc biệt đàn ông trên 40 tuổi, hút thuốc nhiều.
Thay đổi da, bao gồm mụn cóc hoặc nốt ruồi bị thay đổi màu sắc hoặc kích thước.
Thay đổi tính chất phân hoặc thói quen đi tiểu.
Giảm cân không giải thích được, mệt mỏi cực độ.
Những thói quen giúp phòng ngừa ung thư đơn giản, hiệu quả
Có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học
Một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học thực sự vô cùng quan trọng trong việc chống ung thư. Một số nghiên cứu cho thấy có đến 40% loại ung thư có thể được ngăn chặn nhờ chế độ ăn uống khoa học với các thực phẩm phòng, chống ung thư.
Nên chú ý lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, không có chứa chất kích thích. Ăn đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường các loại rau quả và trái cây tươi, ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, giàu chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày.
Tập trung vào những thực phẩm có nguồn gốc thực vật và chứa chất béo lành mạnh như dầu ô liu, bơ và cá. Nên giữ thói quen ăn chậm, nhai kỹ
Ngoài ra, bạn nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm nhiều calo, chứa nhiều đường tinh luyện, chất béo, dầu mỡ và muối, nhất là ăn đồ chế biến sẵn như thịt nguội, dăm bông, xúc xích, thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, thức uống có ga, nước tăng lực… vì sẽ gây thừa cân, béo phì dẫn đến ung thư. Hạn chế ăn các loại thịt đỏ.
Không hút thuốc lá
Thuốc lá là nguyên nhân của hầu hết các bệnh ung thư phổi, ung thư phế quản, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, ung thư tụy, ung thư bàng quang, ung thư thận… Dạng thuốc lá nào cũng có thể làm tăng khả năng ung thư. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 25 lần so với người không hút. Không chỉ vậy, người sống trong môi trường nhiều khói thuốc (hay còn gọi hút thuốc lá thụ động) cũng có nguy cơ mắc ung thư cao từ 20-30%. Do đó, cần phải tránh xa thuốc lá.
Hạn chế uống rượu bia
Thường xuyên uống quá nhiều rượu bia là một thói quen gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của bạn. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nhiều loại ung thư như ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, ung thư tụy,…
Không nên quá mặn
Muối là một gia vị không thể thiếu đối với con người. Nhưng cũng như tất cả các chất khác, ăn quá nhiều muối đến một ngưỡng nhất định cũng gây tình trạng bệnh lý và tăng nguy cơ các bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư. Bên cạnh việc ăn mặn nói chung, một số bằng chứng còn cho thấy ăn thực phẩm đã được bảo quản bằng muối, đặc biệt là rau củ ngâm muối, có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo mỗi ngày chỉ nên nạp tối đa 6g muối mỗi ngày.
Không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
Ánh nắng buổi sáng sớm và buổi chiều rất tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể bổ sung vitamin D để hấp thụ canxi. Tuy nhiên, từ sau 9h sáng đến 4h chiều có lượng tia cực tím rất cao. Nếu tiếp xúc với ánh sáng vào thời gian này, bạn sẽ có nguy cơ cao bị ung thư da.
Do đó, để phòng ngừa ung thư, bạn không nên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài vào thời điểm trời nắng gắt, bạn nên trang bị đồ bảo hộ để bảo vệ da và sử dụng kem chống nắng. Kể cả những ngày trời nhiều mây vẫn nên sử dụng kem chống nắng.
Tránh những hành động làm tăng nguy cơ ung thư
Nên dùng bao cao su khi quan hệ tình dục sẽ giúp tránh nguy cơ nhiễm virus như HPV và HIV cũng như các bệnh lây qua đường tình dục khác.
Không dùng chung kim tiêm với người khác vì có thể dẫn đến lây nhiễm HIV, virus viêm gan B, C phòng ung thư gan.
Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao: Luyện tập thể dục thể thao đều đặn luôn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có phòng chống ung thư. Mỗi ngày hãy cố gắng dành thời gian tập luyện khoảng 30 phút hoặc mỗi tuần khoảng 75-150 phút.
Bên cạnh đó, nên tránh ngồi lâu một chỗ, tăng cường vận động ngay khi có thể như đi thang bộ thay cho thang máy, làm việc nhà. Duy trì cơ thể cân đối không chỉ giúp nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần mà còn giúp phòng ngừa ung thư như: ung thư vú, phổi, tuyến tiền liệt, đại tràng, thận...
Tiêm phòng vaccine
Một số vaccine có thể giúp phòng chống ung thư hiệu quả như:
Vaccine viêm gan B: phòng tránh viêm gan siêu vi B và làm giảm thiểu nguy cơ mắc xơ gan, ung thư gan về sau.
Vaccine HPV: Tiêm vaccine HPV được khuyến nghị cho nữ giới từ 9 - 26 tuổi nhằm phòng ngừa ung thư cổ tử cung, u nhú bộ phận sinh dục, sùi mào gà...
Khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ
Thường xuyên khám sức khỏe sẽ giúp bạn hiểu rõ được tình trạng sức khỏe của mình và nguy cơ bệnh tật. Từ đó, điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt hoặc các biện pháp can thiệp nếu cần thiết để phòng ngừa bệnh. Hơn nữa, nhiều trường hợp phát hiện bệnh ung thư sớm nhờ tầm soát sức khỏe định kỳ. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh./.