Năm 2006, anh Giàng A Phình, bản Suối Lĩnh, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên bắt đầu nuôi ong trong rừng để lấy mật. Khởi điểm chỉ là 3 thùng ong, thấy hiệu quả kinh tế cao, môi trường thuận lợi để ong phát triển, vài năm trở lại đây, anh quyết định nhân đàn và duy trì trên 100 thùng ong.
Tương tự, nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, năm 2018, ông Thào A Tu, bản Pá Khoang, xã Pha Mu, huyện Than Uyên quyết định làm 13 thùng gỗ để nuôi ong lấy mật. Tùy từng thời điểm ông di chuyển ong lên rừng hoặc để ở vườn nhà. Mỗi năm, từ 13 thùng ong, ông thu về gần 10 triệu đồng từ bán mật ong.
Còn ông Nguyễn Văn Cận, bản Đông Phong, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường đã đăng ký nuôi 10 thùng ong khi huyện triển khai dự án hỗ trợ nuôi ong tại xã. Đến nay, ông đã có thu nhập hàng chục triệu đồng từ nuôi ong.
Ông Tu, anh Phình, ông Cận là ba trong số hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang tận dụng lợi thế từ đồi rừng nuôi ong lấy mật, mang lại giá trị kinh tế cao... Theo đó, nghề nuôi ong lấy mật đang được tỉnh Lai Châu xác định là hướng kinh tế mới, bền vững để chuyển đổi phương thức sản xuất cho người dân.
Trong Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu, quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025 đã có thêm nội dung hỗ trợ nuôi ong. Đây là điều kiện để các huyện, thành phố khuyến khích thành lập, thu hút các HTX đầu tư, liên kết nuôi, thu mua sản phẩm mật ong; đồng hành cùng chính quyền địa phương xây dựng thành công Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Ông Lò Văn Hương - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Hiện nay, chỉ tiêu đàn ong trên địa bàn huyện trên 1.800 thùng ong. Trong đó, có khoảng 800 lồng được hưởng nguồn hỗ trợ của tỉnh, quá trình triển khai thực hiện rất hiệu quả. Những nơi tập trung nuôi ong lớn hiện nay đang có sự liên kết giữa người dân và các HTX rất tốt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động bà con tham gia HTX để nâng cao giá trị nuôi ong lấy mật dưới tán rừng.”
Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng với việc được tỉnh hỗ trợ, Hiện nay người dân trên địa bàn tỉnh đã phát triển được gần 10.000 thùng ong đem lại giá trị kinh tế cao.
Cùng với đó, tại các huyện đang tập trung phát triển nuôi ong cũng đã có các HTX liên kết với người dân làm sản phẩm sạch và đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Từ đây, mật ong đã trở thành sản vật đặc trưng của các địa phương, là điểm nhấn tạo dấu ấn cho khách hàng mọi miền Tổ quốc cũng như du khách khi đến Lai Châu.