Mái ấm học đường
Cảm nhận đầu tiên khi ghé thăm ngôi trường, là cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, hiện đại với khuôn viên sân trường xanh, sạch, đẹp. Các khu kí túc xá gọn gàng, ngăn nắp; bếp ăn sạch sẽ, vườn sau xanh tốt… Ấn tượng với chúng tôi còn là, hễ gặp người lạ, học sinh nhà trường đều rất lễ phép cúi đầu chào.
Như hiểu được sự tò mò của chúng tôi, thầy Nguyễn Đậu Trương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Kỹ năng sống không chỉ được nhà trường giảng dạy đầu tiên, ngay khi các em đặt chân vào trường mà còn cả 3 cấp học.
Theo thầy Trương, trong tuần đầu nhập học vào trường, tất cả học sinh phải học khóa quân sự rèn kỹ năng ăn, ở, sinh hoạt tập thể, rèn luyện thể dục. Đó là điều bắt buộc đầu tiên. Có lẽ đó cũng là cách để các em quen hơn với nền nếp mới. Ngoài ra, các em còn phải học bơi, học võ và tham gia khóa về tư vấn sức khỏe vị thành niên.
Trường Phổ thông DTNT THPT số 2, là một trong 2 ngôi trường Phổ thông DTNT trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Học sinh của trường là con em đồng bào các DTTS, học tập và sinh hoạt tập trung; nên, ngoài nhiệm vụ của một người giáo viên tận tâm và trách nhiệm, thầy cô còn phải kiêm thêm nhiều nhiệm vụ khác. Các thầy cô, không chỉ giàu kinh nghiệm giảng dạy, nhiệt huyết truyền thụ kiến thức mà còn là người cha, người mẹ ân cần dạy bảo các em từng ngày; bảo ban các em sau giờ lên lớp.
Để đảm bảo việc học, sinh hoạt tại khu kí túc có hiệu quả, nhà trường đã thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ. Đồng thời, phân công cán bộ, giáo viên hướng dẫn các em giờ tự học đảm bảo thời gian và chất lượng học tập mỗi tối.
Sau những giờ học, học sinh nhà trường đều tham gia lao động, trồng hoa, cây xanh, tạo cảnh quan xanh sạch trong khuôn viên trường. Khi chúng tôi đến thăm, nhiều học sinh đang cùng nhau đào hố, rào cây trên khuôn viên khu vườn rau rộng 2ha.
Thầy Trương kể: nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để các em được học tập, vui chơi, tham gia lao động và sinh hoạt tập thể. Các hình thức và phương thức thực hiện đều hướng đến tạo môi trường thân thiện, ấm áp… để các em có được cảm giác gần gũi như chính tại ngôi nhà của mình. Rồi thầy Trương nói tiếp, chúng tôi hiểu được hoàn cảnh, cuộc sống và điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn của các em. Những việc làm của cán bộ, giáo viên nhà trường, cũng như là cách để bù đắp thêm, gieo lên niềm tin, hi vọng cho các em vào cuộc sống.
Thành tích đáng tự hào
Điều mà rất nhiều người bất ngờ ở ngôi trường này, là chất lượng đào tạo. Mặc dù, chất lượng đầu vào của trường không cao so với với học sinh ở các trường khác, nhưng các thầy cô và các em học sinh đã rất cố gắng vượt qua khó khăn, nỗ lực mỗi ngày để dạy tốt và học tốt. Nhìn vào bảng thành tích mà giáo viên và học sinh của trường đạt được trong thời gian qua, quả là đáng khâm phục.
Theo lãnh đạo trường Phổ thông DTNT THPT số 2, tất cả là ở phương pháp, cách làm; là sự tận tâm, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên mà thôi. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các thầy cô đã truyền thụ kiến thức cho các em theo hình thức giảng giải từ từ, hiểu được bài cũ mới dạy bài mới, ôn luyện, làm bài tập nhiều lần để khắc ghi kiến thức đã học. Ngoài ra, với những học sinh yếu kém, nhà trường đã phân công giáo viên giành nhiều thời gian để kèm cặp, phụ đạo.
Học sinh của trường đều phải ở nội trú nên thầy cô có điều kiện gần gũi, hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của từng em mà có giải pháp bồi dưỡng, phụ đạo cho phù hợp. Cô Trương Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng cho biết: Phương pháp dạy và học mà nhà trường đang áp dụng là giao quyền ngay từ năm lớp 10 cho mỗi giáo viên phụ trách lớp. Các thầy cô sẽ căn cứ trình độ của học sinh để soạn giáo án phù hợp nhất. Các giáo viên được giao phụ trách, họ sẽ tự chịu trách nhiệm trước nhà trường về chất lượng giáo dục của lớp ấy, ngay từ khi lớp 10 cho đến lớp cuối cấp.
Để bổ trợ thêm kiến thức, trường đã thành lập nhiều câu lạc bộ tự học tập, do những học sinh đã đậu đại học chủ trì. Những học sinh mới nhập học, khi tham gia câu lạc bộ sẽ được chia sẻ kỹ năng học, kinh nghiệm học quý giá. Hiện nay, nhà trường đang duy trì các câu lạc bộ Văn hoá - Nghệ thuật DTTS, võ thuật, văn học, tiếng Anh…
Các câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc cũng được thành lập, nhằm phát triển năng khiếu cho học sinh và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần vào mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh của nhà trường.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hàng năm, 100% học sinh của trường dự thi đều đỗ tốt nghiệp THPT. Từ năm 2019 – 2022, trường có 13 học sinh được UBND tỉnh tuyên dương; kết quả học sinh giỏi tỉnh đứng trong tốp 10; tham gia thi Robictics - tự động hóa đứng tốp 9 toàn quốc, thi Olympic hóa học cấp tỉnh hàng năm có 3-5 em đạt giải; nhiều môn thi THPT xếp thứ nhất toàn tỉnh như văn, sử, địa; xếp thứ 3 toàn tỉnh như toán, hóa, sinh; ngoại ngữ xếp thứ 8…; Hàng năm có 98% học sinh đỗ đại học, nhiều em đậu vào các trường đại học tốp đầu như Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân Y.
Theo Bảng thống kê điểm trung bình các môn thi của các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2022, điểm trung bình môn của nhà trường đứng thứ 2 (chỉ sau trường PTTH chuyên Phan Bội Châu). Đáng chú ý, là đã có học sinh của nhà trường đạt thủ khoa toàn tỉnh, với 6 môn thi có tổng 55,4 điểm. Năm học 2022-2023, trường có 28 học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong kỳ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên người DTTS xuất sắc tiêu biểu năm 2022, trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An vinh dự có 7 học sinh được tuyên dương.
Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền trường đều đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến xuất sắc; tập thể nhà trường được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng bằng khen.
Tâm sự với chúng tôi, thầy Nguyễn Đậu Trương, HIệu trưởng Nhà trường cho biết: Đó là một kết quả đáng tự hào, là động lực lớn cho thầy cô và học sinh nhà trường. Chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để nối dài thành tích ấy. Thầy Hiệu trưởng cũng trầm tư: Nhà trường rất cần sự quan tâm của chính quyền, cộng đồng xã hội, các nhà hảo tâm trong việc đồng hành, giúp đỡ những học sinh thuộc diện hộ nghèo mà học giỏi, các em có bệnh hiểm nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là các em đậu đại học (có trường hợp đậu vào các trường thuộc tốp đầu của cả nước), nhưng không có điều kiện để tiếp tục thực hiện ước mơ.