Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn Hà Giang. Ảnh Thiên SơnDân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang có khoảng trên 6 nghìn người, cư trú chủ yếu ở các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần và Hoàng Su Phì. Đồng bào Pà Thẻn có kho tàng di sản văn hóa phong phú và độc đáo, thể hiện đậm nét qua nhiều loại hình như kiến trúc, nhà cửa, trang phục, ngôn ngữ, văn học dân gian, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian, tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội và tri thức dân gian.
Tuy nhiên, do đời sống còn nhiều khó khăn, trong tiến trình hội nhập, nhiều nghi lễ truyền thống của đồng bào Pà Thẻn ở Hà Giang có xu hướng mai một hoặc biến đổi, không còn giữ được nét nguyên bản. Đội ngũ thầy cúng, nghệ nhân - những người am hiểu phong tục, nghi lễ, nghệ thuật và tri thức dân gian ngày càng ít, phần lớn đều tuổi cao, sức yếu.
Trong khi đó, lớp trẻ lại ít quan tâm, thiếu cơ hội và điều kiện để học hỏi, nâng cao kỹ năng thực hành văn hóa truyền thống. Bối cảnh cư trú đan xen giữa các dân tộc càng khiến văn hóa người Pà Thẻn bị “kẹt” giữa truyền thống và hiện đại. Những yếu tố cổ dần mai một đi, trong khi cái mới lại chưa được định hình rõ nét, tạo nên khoảng trống trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Hà Giang, nhiều chính sách bảo tồn văn hóa đã được tỉnh phối hợp triển khai, nhưng thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện rất ít người Pà Thẻn còn thực hành được nhạc cụ truyền thống hay am hiểu y dược dân gian. Trong khi đó, lớp trẻ ngày càng rời bản mưu sinh nơi đô thị, khiến quá trình trao truyền văn hóa có nguy cơ đứt gãy.
Trong khi đó, theo bà Tải Thị Vấn, Hội Phụ nữ xã Tân Lập, huyện Bắc Quang, địa phương đã được hỗ trợ mở các lớp dạy nghề như dệt thổ cẩm, hát giao duyên, cắt may trang phục truyền thống. Tuy nhiên, thời gian học ngắn (13 - 45 ngày) nên nhiều học viên chưa nắm được kỹ năng cơ bản.

Hiện rất ít người Pà Thẻn còn thực hành được nhạc cụ truyền thống hay am hiểu y dược dân gian. Trong khi đó, lớp trẻ ngày càng rời bản mưu sinh nơi đô thị, khiến quá trình trao truyền văn hóa có nguy cơ đứt gãy”.
Ông Nguyễn Hồng Hải, nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang
“Vì người Pà Thẻn không có chữ viết, việc truyền dạy chủ yếu bằng hình thức ghi nhớ truyền khẩu nên càng gặp nhiều khó khăn”, bà Vấn chia sẻ.
Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn có các giải pháp bài bản, lâu dài, phù hợp để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Đồng thời quan tâm số hóa, tư liệu hóa các loại hình văn hóa phi vật thể, xây dựng cơ sở dữ liệu và quảng bá thông qua hoạt động du lịch, giáo dục,… để bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Pà Thẻn “sống” với đời sống hiện đại.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết: Nhằm góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, Viện đã phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang và UBND huyện Bắc Quang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trong đời sống đương đại”. Đây cũng là hoạt động thiết thực triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, nhằm níu giữ quá trình trao truyền văn hóa, tránh được nguy cơ đứt gãy.