Thiếu hụt nhiều điều kiện thiết yếu
Từ năm 2019, kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế – xã hội (KT – XH) 53 DTTS do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục thống kê thực hiện đã cho thấy, trong tổng số 1.017 hộ/4.827 nhân khẩu người dân tộc Lô Lô hiện có ở nước ta thì có 23,7% hộ chưa tiếp cận điện lưới quốc gia, trong khi tỷ lệ chung của 53 DTTS chỉ khoảng 3,3%. Sau hơn 4 năm, với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, điện lưới đã cơ bản “phủ sóng” ở hầu khắp các bản làng vùng đồng bào DTTS và miền núi; tuy nhiên, ở một số địa bàn có đồng bào dân tộc Lô Lô sinh sống, bà con vẫn đang phải sử dụng nguồn nhiên liệu khác để thắp sáng (thủy điện mini, máy nổ,…).
Như Cao Bằng – một trong hai tỉnh có đồng bào dân tộc Lô Lô sinh sống (536 hộ/2.773 nhân khẩu), hiện toàn tỉnh còn 7.600 hộ dân chưa được sử dụng lưới điện quốc gia, chủ yếu tập trung ở hai huyện vùng cao, biên giới là Bảo Lâm và Bảo Lạc. Tại hai huyện nghèo này, đồng bào Lô Lô ở Cao Bằng sinh sống tập trung thành cộng đồng tại 9 xóm đặc biệt khó khăn thuộc 4 xã khu vực III.
Tại huyện Bảo Lạc, đồng bào dân tộc Lô Lô cư trú chủ yếu ở xã Hồng Trị, với 225 hộ/1.114 nhân khẩu (tập trung tại 03 xóm: Cốc Xả, Nà Van, Khau Trang); ngoài ra có 61 hộ/291 nhân khẩu ở xóm Khuổi Khon của xã Kim Cúc và 20 hộ/107 nhân khẩu ở xóm Ngàm Lồm của xã Cô Ba. Còn tại huyện Bảo Lâm, dân tộc Lô Lô cư trú tập trung tại 04 xóm: Cà Mèng, Cả Pen A, Cà Pẻn B, Cà Đổng của xã Đức Hạnh, với 230 hộ/1.300 nhân khẩu.
Nhưng khó khăn nhất ở những địa bàn có đồng bào dân tộc Lô Lô của tỉnh Cao Bằng là giao thông đi lại. Xác định nhu cầu bức bách này, thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển KT - XH vùng đồng bào Lô Lô theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg, giai đoạn 2017 – 2021, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đầu tư công trình đường giao thông nông thôn cho các xóm: Cà Đồng, Cà Pẻn A (xã Đức Hạnh); Khau Chang, Khau Cà (xã Hồng Trị); Khuổi Khon (xã Kim Cúc).
Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư đường giao thông ở địa bàn đồng bào Lô Lô sinh sống vẫn rất lớn. Đơn cử tại xã Đức Hạnh, hầu hết các tuyến đường liên xóm, nội xóm là đường cấp phối, đường đất rất khó đi, có tuyến xe ô tô gầm thấp không đi lại được. Tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu HĐND huyện Bảo Lâm khoá V, nhiệm kỳ 2021 – 2026 được tổ chức ngày 21/11/2023, cử tri xã Đức Hạnh kiến nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm, đầu tư tu sửa, mở mới đường giao thông liên xóm để giúp người dân giao thương thuận lợi, phát triển kinh tế.
Yếu hạ tầng, khó đột phá
Hạ tầng kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nên nhiều địa phương có đồng bào dân tộc Lô Lô sinh sống ở Cao Bằng không thể mạnh dạn đặt những chỉ tiêu phát triển KT – XH quá cao. Đơn cử tại xóm Khuổi Khon (xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc) – nơi có 61 hộ/291 nhân khẩu là người Lô Lô, chiếm gần 100% tổng dân số của xóm, Chi bộ xóm nhiệm kỳ 2022 – 2025 chỉ đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu thu nhập bình quân trên địa bàn xóm 28 triệu đồng/người/năm; 100% hộ có nhà bán kiên cố; không có hộ tái nghèo; 100% các tuyến đường trong xóm được bê tông hóa.
Đây cũng là phương án của huyện Bảo Lạc khi đặt chỉ tiêu phát triển KT – XH cho toàn huyện. Trong năm 2023, Bảo Lạc phấn đấu thu nhập bình quân đạt 28,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 78,2%... Sự dè dặt này xuất phát từ thực trạng hạ tầng kinh tế của huyện còn rất yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới hiện mới đạt 76,59%; đường giao thông được bê tông hóa, nhựa hóa mới đạt 36,5%...
Còn tại xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm), hạ tầng kinh tế yếu lém khiến cho việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT – XH trên địa bàn rất khó khăn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt chỉ tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm, nhưng hết năm 2022 mới đạt 12,5 triệu đồng/người/năm. Trong nửa đầu nhiệm kỳ, toàn xã mới đầu tư được 03km đường giao thông nông thôn, hơn 10% số hộ trong xã chưa có điện lưới…
Trên thực tế, đã có một số địa phương được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ đã khai thác tiềm năng, thế mạnh về bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Lô Lô để phát triển KT – XH, với mô hình du lịch cộng đồng. Điển hình như thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang). Thôn có 114 hộ (trong đó dân tộc Lô Lô là 99 hộ, còn lại là người Mông), hiện trong thôn có 30 hộ làm du lịch cộng đồng. Từ một thôn thuần nông, có hơn 80% hộ nghèo, nhờ làm du lịch mà hiện cả thôn chỉ còn gần 10% hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Điều quan trọng nhất là từ khi làm du lịch, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lô Lô được gìn giữ và phát huy.
Ngay tại huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), xóm Khuổi Khon của xã Kim Cúc cũng đang khoác áo mới khi được đầu tư đường giao thông để phát triển du lịch cộng đồng. Năm 2020, từ vốn Đề án hỗ trợ phát triển KT - XH vùng đồng bào Lô Lô theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg, Ban Dân tộc tỉnh đã đầu tư tuyến đường giao thông cho xóm theo Quyết định số 685/QĐ-BDT ngày 13/9/2020. Có đường, xóm Khuổi Khon đã khai thác bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Lô Lô để làm du lịch, tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Nếu như trước đây, theo chuẩn nghòe tiếp cận đa chiều thì hơn 50% số hộ dân tộc Lô Lô ở Khuổi Khon là thuộc diện nghèo, nhưng hiện xóm chỉ còn 10/61 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025.
Sự phát triển của thôn Lô Lô Chải ở Hà Giang và tương lai mới của xóm Khuổi Khon (Cao Bằng) là minh chứng cho nhận định yếu hạ tầng thì rất khó tạo đột phá trong phát triển KT – XH ở vùng đồng bào dân tộc Lô Lô. Vì vậy, các địa phương có đồng bào dân tộc Lô Lô sinh sống cần ưu tiên đầu tư hạ tầng ở địa bàn dân tộc Lô Lô sinh sống khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 – 2025; nhất là quan tâm lồng ghép vốn của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trong quá trình triển khai Tiểu dự án 1 – Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định só 1719/QĐ-TTg.