Phát triển đồng đều
Trong các tài liệu được các địa phương, đơn vị chuyên môn liên quan của tỉnh Kon Tum công bố gần đây, số liệu về dân số của dân tộc Brâu chưa có sự thống nhất, chênh lệnh về số lượng hộ và số lượng nhân khẩu. Trong đó, đáng tin cậy nhất là số liệu được UBND xã Pờ Y báo cáo với Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa tại buổi làm việc với Đảng ủy xã về tình hình kinh tế - xã hội (KT – XH), quốc phòng - an ninh; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ đầu năm 2023 đến nay, diễn ra ngày 29/8 vừa qua.
Theo đó, toàn thôn Đăk Mế hiện có 274 hộ, hơn 940 nhân khẩu, với 09 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Brâu có 173 hộ, với 571 nhân khẩu. Toàn xã Pờ Y còn 118 hộ nghèo (98 hộ nghèo DTTS) và 114 hộ cận nghèo (87 hộ DTTS), thì thôn Đăk Mế còn 7 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo; trong đó có 6 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo là người dân tộc Brâu, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025.
Ở thôn Đăk Mế, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kết cấu hạ tầng đã được đầu tư hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân phát triển KT – XH. Đồng bào dân tộc Brâu đã biết làm ruộng nước 2 vụ; trồng các loại cây công nghiệp, như: cao su, bời lời, cà phê, chăn nuôi gia súc gia cầm và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.
Hiện thôn đã thành lập được 01 đội nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang; có 20 chị em giữ được học nghề dệt thổ cẩm truyền thống và đã thành lập 01 Tổ hợp tác khôi phục nghề làm rượu cần men lá truyền thống của dân tộc Brâu. Hiện Đăk Mế có 06 sinh viên là con em dân tộc Brâu đang học Đại học, Cao đẳng…
Số liệu của UBND xã Pờ Y phù hợp với báo cáo kết quả thực hiện Đề án phát triển KT - XH dân tộc Brâu theo Quyết định 2086/QĐ-TTg (được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt tại Quyết định số 941b/QĐ-UBND ngày 20/9/2017) của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum. Theo đó, Ban Dân tộc Kon Tum xác định, so với số hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn xã Pờ Y, thì tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc Brâu là 6,9%, tương ứng với 6 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,75%, tương ứng với 8 hộ.
Theo đánh giá của Ban Dân tộc Kon Tum, từ Đề án phát triển KT - XH dân tộc Brâu cùng với các chương trình, chính sách khác được triển khai thực hiện trong những năm qua, đến nay, xã Bờ Y đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; việc chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh ban đầu cơ bản được đảm bảo; chất lượng dân số, tuổi thọ của dân tộc Brâu từng bước được cải thiện. KT – XH phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.
Những số liệu của Ban Dân tộc tỉnh và UBND xã Pờ Y cho thấy, đã có sự phát triển đồng đều trên mọi lĩnh vực của dân tộc Pờ Y ở thôn Đăk Mế. Bởi cách đây hơn 4 năm, kết quả điều tra thu thập thông tin KT – XH 53 DTTS cho thấy, dân tộc Brâu có 152 hộ, với 525 nhân khẩu; có 9 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020. Cùng với đó là số người dân chưa biết đọc, biết viết chữ phổ thông vẫn còn, trình độ học vấn chưa cao; văn hóa truyền thống của dân tộc Brâu có nguy cơ bị mai một.
Đầu tư hạ tầng để tạo đột phá
Để có sự phát triển đồng đều ở dân tộc Brâu, việc thực hiện hiệu quả Đề án phát triển KT - XH dân tộc Brâu theo Quyết định 2086/QĐ-TTg có vai trò then chốt. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, triển khai Đề án, tỉnh đã đầu tư tuyến đường vào khu sản xuất tập trung ở thôn Đăk Mế, kết nối giao thông thông suốt; đồng thời thực hiện sửa chữa 01 nhà Rông và 02 nhà ở truyền thống, góp phần bảo đảm không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống cho bà con; lưới điện đã đến tận từng hộ dân. Hệ thống nước sinh hoạt, kênh mương thủy lợi được đầu tư phục vụ đời sống và sản xuất người dân.
Mặc dù đã đạt được bước phát triển tích cực, nhưng đồng bào dân tộc Brâu vẫn còn những khó khăn đặc thù; thu nhập bình quân đầu người mới đạt khoảng 24,6 triệu đồng/người/năm, trong khi bình quân toàn tỉnh Kon Tum 47,1 triệu đồng/người/năm. Để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc Brâu thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho thôn Đăk Mế, phục vụ phát triển sản xuất là yêu cầu cấp bách.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, thực hiện Đề án phát triển KT - XH dân tộc Brâu theo Quyết định 2086/QĐ-TTg, do nguồn vốn Trung ương bố trí đạt 28,6% nên việc thực hiện các nội dung đầu tư, hỗ trợ không đồng bộ và không đạt mục tiêu đề ra, nhất là các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Trong kế hoạch thực hiện Đề án, Kon Tum đề xuất đầu tư 03 công trình và nâng cấp 02 công trình giao thông, thì chỉ thực hiện được 01 công trình; không có vốn để đầu tư 02 công trình thủy lợi và khai hoang đồng ruộng; không có vốn để xây mới 03 phòng học, nâng cấp 03 phòng học và trang thiết bị của điểm trường tiểu học Bế Văn Đàn;…
Những hạng mục hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở thôn Đăk Mế được kỳ vọng sẽ được đầu tư từ Tiểu dự án 1 – Dự án 9 của Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, mặc dù dân tộc Brâu thuộc đối tượng thụ hưởng Tiểu dự án 1, nhưng thôn Đăk Mế lại không nằm trong phạm vi địa bàn đầu tư của Chương trình; do Đăk Mế là thôn của xã nông thôn mới Pờ Y, không phải là địa bàn đặc biệt khó khăn.
Để tiếp tục phát triển kinh tế, từ đó từng bước nâng cao dân số cả về lượng và chất cho dân tộc Brâu, tỉnh Kon Tum kiến nghị Trung ương xem xét điều chỉnh phạm vi thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719. Trên thực tế, không riêng thôn Đăk Mế mà toàn xã Pờ Y, mặc dù đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, không có khả năng tự huy động nguồn lực cho phát triển KT - XH, vẫn cần nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để duy trì, phát triển những kết quả đã đạt được.
Trong chuyến thăm, tặng quà Nhân dân thôn Đăk Mế ngày 22/4/2023, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang, bày tỏ mong muốn bà con trong thôn tiếp tục đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế. Đồng bào dân tộc Brâu trong thôn còn nghèo, vì vậy bà con cố gắng sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo. Thôn hiện có 06 cháu là con em dân tộc Brâu đang học Đại học, Cao đẳng nên bà con tiếp tục vận động con em nỗ lực học tập, sau này đem trí thức về cùng giúp địa phương và bà con trong thôn phát triển.