Trước đây, ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, các dân tộc như Brâu, Xơ Đăng, Cơ Tu có tục xăm mình, tiêu biểu nhất là người Brâu ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Phụ nữ dân tộc Brâu có tục xăm mặt và cà răng căng tai. Người Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam cũng nổi tiếng với tục xăm mình. Nghệ thuật xăm mình của đồng bào Cơ Tu được Le Pichon đề cập đến trong một công trình nghiên cứu dân tộc học: “Họ thường xăm những hình vẽ kỳ lạ; trên trán hình padil ya ýa (người đàn bà nhảy múa); ở hai mép xăm mặt trời; hai lông mày kéo dài ra bằng một loạt những chấm lớn màu đen ra đến phần trên lỗ tai; trên mình xăm sao và hình chữ thập”.
Các tộc người cư trú ở vùng Đông Nam Á lục địa từ thời xa xưa cũng đã phổ biến về tục xăm mặt và xăm mình. Những người phụ nữ dân tộc Chin ở tiểu bang Chin thuộc khu vực miền núi hẻo lánh phía tây Myanmar, từ lâu đã nổi tiếng với khuôn mặt xăm hình. Truyền thuyết của người Chin kể rằng một vị vua đi ngang qua ngôi làng, thấy phụ nữ ở đây xinh đẹp nên đã bắt về làm vợ. Từ đó, các gia đình người Chin, khi con gái lên 11-15 tuổi thì bắt đầu xăm lên mặt như là cách hủy hoại dung nhan xinh đẹp để chúng không bị bắt cóc bởi các ông vua ham sắc. Về sau, xăm mặt trở thành tập tục gắn với quan niệm thẩm mỹ của tộc người. Myanmar có đến 6 nhóm Chin khác nhau, mỗi nhóm bộ tộc lại có những hình xăm đặc trưng, có thể xăm toàn bộ khuôn mặt hay thậm chí là xuống tới cổ. Hình xăm phổ biến là chữ y, chấm tròn, đường kẻ theo hàng, hình mạng nhện hay những đường vằn lớn dữ tợn như mặt hổ nên các người ngoài tộc trong vùng gọi họ là “người mặt hổ”.
Vùng Đông Nam Á hải đảo cũng có nhiều tộc người giữ tập quán xăm mình. Bộ lạc Butbut, một nhóm dân tộc thiểu số sinh sống tại làng Buscalan, vùng Kalinga, ở miền Bắc Philippines cũng nổi tiếng không kém với nghệ thuật xăm mình.
Theo truyền thống, những hình xăm bằng tay này chỉ dành cho những chiến binh Butbut bản xứ. Phụ nữ vùng Kalinga coi xăm mình là một cách làm đẹp. Hình xăm đại diện cho nhan sắc và địa vị của người phụ nữ. Còn đối với nam giới, họ xăm để thể hiện những việc dũng cảm mà họ đã làm, đặc biệt là những buổi săn bắn đầy mạo hiểm.
Mỗi loại hình xăm và diện tích xăm trên da cũng thể hiện những thành tích mà người đó đạt được. Thanh niên tộc người Dayak sinh sống ở đảo Borneo, Malaysia, trước khi trở thành một chiến binh phải trải qua nghi lễ xăm mình. Nghi lễ này được tiến hành tại một ngôi nhà truyền thống trước sự chứng kiến của đông đảo các thành viên trong bộ tộc. Những người phụ nữ trong bộ tộc đảm nhiệm công việc xăm mình.
Hình xăm trên thân thể của các tộc người ở vùng Đông Nam Á là nét bí ẩn, độc đáo nhất trong tập quán trang điểm. Ngày nay, tục xăm mặt của các tộc người thiểu số ở Việt Nam hầu như không còn nữa. Ở Myanmar, tập tục này bị chính phủ xóa bỏ từ năm 1960, nhưng người Chin sinh sống ở các vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh vẫn chưa chịu từ bỏ tập tục, họ vẫn xăm hình cho một số người còn muốn lưu luyến với nghệ thuật trang trí trên thân thể. Còn tại đất nước Philippines, một bộ phận thanh niên trai trẻ muốn tiếp tục theo đuổi nghệ thuật xăm mình. Họ vẫn thích học kỹ thuật xăm mình từ những nghệ nhân lớn tuổi và tạo ra những hình xăm hiện đại.