Trong căn nhà nhỏ treo đầy giấy khen, bằng khen các loại, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và ông Hơn trôi qua bao miền xúc cảm bâng khuâng. Ông bấm ngón tay kể: Cũng hơn 30 năm làm Trưởng bản Lâm Ninh đấy. Bao vất vả, khổ cực đã trôi qua rồi, kể từ ngày chúng tôi đặt chân đến vùng đất này.
Ông Hơn cho biết, cha mẹ ông là người Vân Kiều ở tỉnh Quảng Trị, do chiến tranh nên di cư đến Quảng Bình sinh sống. Tuổi trẻ của ông là những tháng ngày tham gia chiến đấu, cống hiến cho cách mạng. Ông làm nhiệm vụ giao liên ở Binh trạm 17 của Bộ đội Trường Sơn, rồi A trưởng du kích, tiếp đó được điều động theo đơn vị, làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu tại tọa độ lửa phà Quán Hàu.
Khi đất nước hòa bình, bố con ông lại lên phía Tây khai hoang, lập nghiệp. Năm 1984, xã Trường Xuân được thành lập, bố con ông cùng 6 hộ khác về tại bản Lâm Ninh sinh sống theo sự vận động của huyện Quảng Ninh. Đến năm 1991, ông được bà con dân bản tin tưởng bầu giữ chức Trưởng bản.
Mấy chục năm trước, giao thông đến xã Trường Xuân cách trở, chỉ có rừng tiếp rừng, núi tiếp núi, nên gần như biệt lập với bên ngoài. Với một vùng đất còn nhiều khó khăn và lạc hậu vào thời điểm ấy, phát huy phẩm chất người lính cụ Hồ, Trưởng bản Hồ Văn Hơn luôn trăn trở việc làm thế nào để cùng bà con sản xuất, đẩy đuổi đói nghèo.
Từ vùng đất hoang, bản Lâm Ninh nay đã có gần 60 hộ, với khoảng 200 nhân khẩu, bà con luôn cố gắng mở rộng chăn nuôi, trồng rừng phát triển kinh tế. Cùng với đó, chính quyền xã đã quan tâm, đầu tư cho bản công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên năng suất lúa, ngô mỗi vụ đều tăng, bà con không lo thiếu lương thực. Tại bản, đã có điểm trường được mở để con em trong bản được đến trường, đường giao thông cũng được đầu tư kiên cố.
Cuộc trò chuyện cùng ông Hơn đã giúp chúng tôi biết thêm một thông tin bổ ích và quan trọng: Ông chính là người đã hiến hàng ngàn m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi ở bản Lâm Ninh. Đó là làm đường tránh lũ, đường nội đồng, xây trường học mới cho trẻ em trong bản. Ông Hơn chia sẻ suy nghĩ rất giản dị: Đầu tư cho việc học của con em là để xây dựng cuộc sống mới của bản làng.
Biết cái khó của địa phương, thương những đứa trẻ đang cần nơi an toàn, khang trang để tiếp thu “con chữ”, Trưởng bản Hồ Văn Hơn bàn với vợ, hiến toàn bộ 1.500 m2 đất có địa hình phù hợp của gia đình để xây trường học cho con em. Diện tích đất mà ông Hơn hiến là mồ hôi, công sức mà gia đình ông đã khai hoang, phục hóa từ hơn 30 năm trước.
Ông Hơn trải lòng: Ðất sản xuất cũng cần, nhưng nếu để trẻ em trong bản không được đi học vì không có đất xây trường sẽ đáng lo lắng hơn. Tôi là Trưởng bản, hiến đất cho bản để làm đường, xây trường giúp dân bản thì không nề hà gì. Tôi làm thì bà con mới tin tưởng và làm theo. Theo Bí thư Ðảng ủy xã Trường Xuân Nguyễn Văn Hậu, trên diện tích hơn 1.000 m2 đất bằng phẳng ở trung tâm bản mà gia đình ông Hồ Văn Hơn hiến tặng, xã đã lập dự án đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng điểm trường 2 tầng khang trang.
Ðến giữa tháng 11/2022, điểm trường đã hoàn thành, song vẫn chưa đưa vào sử dụng được, do còn thiếu mặt bằng để làm bếp ăn. Thấy vậy, vợ chồng ông Hơn tiếp tục hiến thêm khoảng 100 m2 còn lại tiếp giáp với khu đất đã hiến làm trường trước đó. UBND xã Trường Xuân tiếp tục đầu tư để hoàn thiện công trình, kịp đưa vào sử dụng đầu năm 2023.
Không chỉ hiến đất xây trường, ông Hồ Văn Hơn còn hiến đất để xây đường tránh lũ và đường nội đồng cho người dân bản. Đến nay, ông Hơn đã hiến khoảng 2.500 m2 đất để xây dựng các công trình cộng đồng cho bà con dân bản của mình.
Ông Hồ Hà - một người dân bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân chia sẻ: Trưởng bản Hồ Văn Hơn tốt lắm, luôn tâm niệm học và làm theo tấm gương Bác Hồ. Thấy con em không được học chữ là ông hiến đất làm trường liền. Bà con ở bản đây ai cũng kính trọng ông Hơn. Ông sống trách nhiệm lắm, người dân ở đây nhờ ông Hơn rất nhiều.
Ngoài những đóng góp to lớn cho người dân bản, ông Hồ Hơn còn góp công lớn trong việc chuyển tải các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân tại đây, hướng người dân tuy sống ở nơi rừng núi xa xôi nhưng luôn luôn tuân thủ luật pháp; chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ấm no.