Chiều 16/12/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Trị về chủ trương cho phép thí điểm xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung (KKTTMXBG) Lao Bảo - Đensavan, để chuẩn bị các bước để trình Chính phủ hai nước. Đây được đánh giá là dự án có quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh Quảng Trị - Savannakhet, lan tỏa đến sự phát triển kinh tế của hai nước Việt Nam - Lào.
Theo ông Hồ Đại Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tổ phó Tổ công tác phối hợp xây dựng dự thảo Đề án KKTTMXBGC, theo dự thảo Đề án đã được 2 tỉnh thống nhất, KKTTMXBGC có diện tích khá rộng. Về phía Việt Nam, sẽ bao gồm khu vực Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt (KKTTMĐB) Lao Bảo, có diện tích 15.854ha (gồm thị trấn Lao Bảo, thị trấn Khe Sanh và xã Tân Thành, Tân Long, Tân Liên, Tân Lập và Tân Hợp thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị); phía Lào bao gồm khu vực Khu thương mại biên giới (KTMBG) Đensavan từ Bản Đông đến biên giới Việt Nam (cửa khẩu), có chiều dài 19km dọc theo sông SêPôn và tuyến Đường 9, chiều rộng khoảng 1km, gồm 13 bản.
Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) bao gồm 21 xã, thị trấn, với 149 thôn, bản, khối, khóm. Toàn huyện có 22.793 hộ, với 100.596 khẩu; gồm dân tộc Kinh, Bru Vân Kiều và Pa Kô (nhóm địa phương thuộc dân tộc Tà Ôi). Khi xây dựng KKTTMXBGC Lao Bảo – Đensavan, huyện Hướng Hóa có thêm điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch cộng đồng nhằm giải quyết việc làm và mang lại thu nhập cho đồng bào các DTTS.
KKTTMXBGC dự kiến vận hành theo mô hình 2 nước 2 khu, đối xứng nhau qua đường biên giới, có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm). Mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý Khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ mình.
Đặc biệt, các cơ chế chính sách mới trong dự thảo Đề án sẽ tạo hấp dẫn trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp tập trung vào các giải pháp “phi thuế quan”. Trong đó có chính sách tạo thuận lợi về lao động (cư dân thường trú trong khu vực KKTTMXBGC được cấp thẻ thông hành biên giới để đi lại, tỷ lệ lao động người Việt Nam làm việc tại KTMBG Đensavan, tỷ lệ người Lào làm việc tại KKTTMĐB Lao Bảo được phép cao hơn quy định hiện hành của pháp luật hai nước...); tạo thuận lợi trong thủ tục đầu tư, vay vốn (doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào KTMBG Đensavan được áp dụng thủ tục đầu tư, vay vốn đơn giản như đầu tư trong nước).
“Các giải pháp trên sẽ khắc phục các rào cản đối với các dự án đầu tư của Việt Nam sang Lào trong thời gian vừa qua, thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào KTMBG Đensavan”, ông Nam cho biết.
Tương lai có làn sóng đầu tư mới vào khu vực biên giới Quảng Trị - Savannakhet khi có KKTTMXBGC Lao Bảo – Đensavan là hoàn toàn có cơ sở. Tháng 9/2022, Chính phủ Lào đã phê duyệt nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Savannakhet - Lao Bảo dài 220km. Chính phủ Ấn Độ cũng đang có kế hoạch kéo dài tuyến đường bộ cao tốc hiện có (dài 1.400km) từ Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan sang Lào - Việt Nam - Campuchia để gia tăng hoạt động thương mại với hy vọng sẽ đem lại thịnh vượng cho các bang vùng Đông Bắc Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ xem tuyến Đường (trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là ưu tiên hàng đầu. Khu vực Lao Bảo - Đensavẳn có điều kiện thuận lợi về mặt bằng xây dựng hệ thống kho bãi, phát triển dịch vụ logistics đang có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực vận tải, logistics.
Tháng 10/2022 vừa qua, đại diện tập đoàn Sakae Holding (Singapore) cũng đã làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Savannakhet và khảo sát thực tế KTMBG Đensavẳn để chuẩn bị cho việc phối hợp khảo sát, điều chỉnh quy hoạch và xúc tiến các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore trong thời gian tới.
Tập đoàn T&T (Việt Nam) đang nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo hình thức PPP, gắn với việc mở rộng và khai thác khu vực cửa khẩu Lao Bảo - Đensavan đi châu Âu, Hoa Kỳ và hàng hóa từ khu phi thuế quan các nước vào các khu phi thuế quan tại Lao Bảo - Đensavan…
“Niềm tin chính trị và tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào đã được thử thách qua thời gian là yếu tố mang tính quyết định đến thành công của việc triển khai thí điểm KKTTMXBGC giữa hai nước”, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Trị Hồ Đại Nam khẳng định.
Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Trị chiều ngày 16/12, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, việc xây dựng KKTTMXBGC Lao Bảo - Đensavan phải phù hợp với quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Savannakhet, nguồn lực và trình độ phát triển của địa phương hai bên, các hiệp định song phương và đa phương có liên quan, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Đồng thời, phải trên cơ sở đồng thuận hai bên, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, pháp luật hai nước. Do đó, Quảng Trị cần nghiên cứu tiếp thu các ý kiến; bám sát các quy định, nghiên cứu kỹ tính hiệu quả và tính khả thi để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án.
Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với hành lang kinh tế Đông - Tây. Nghiên cứu thí điểm mô hình Khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên hành lang kinh tế Đông - Tây”. Quảng Trị là tỉnh nằm ở cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng Đề án KKTTMXBGC Lao Bảo - Đensavan trình Chính phủ là một bước cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW.