Chốn yên bình giữa vùng biên mậu
Có dịp lên Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), sẽ dễ dàng thấy pho tượng Phật Quan Âm Bồ tát màu trắng, nổi bật trên màu xanh sẫm của miền biên ải. Pho tượng ngự tại chùa Sơn Thành, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa. Giữa ồn ã, náo nhiệt của khu biên mậu sầm uất bậc nhất miền Trung, ngôi chùa lại là một khoảng lặng bình yên, thanh tịnh của chốn tu hành.
Dù mới hình thành chừng mươi năm, nhưng những ai xuôi ngược trên Quốc lộ 9 đều ấn tượng bởi vẻ đẹp của ngôi chùa trên đồi cao này. Đại đức Thích Không Giải, trụ trì chùa kể lại cái duyên của thầy với chùa Sơn Thành có từ những năm còn theo học và tu tập ở Huế. Thầy cho biết, nhiều lần đi theo đoàn từ thiện lên khu vực Hướng Hóa, khi đến xã Tân Thành, thấy phật tử rất đông nhưng chưa có chùa. Phật tử phải sinh hoạt ở niệm Phật đường mượn từ một nhà dân, rất bất tiện và không được tôn nghiêm như ý.
Đến năm 2011, thì niệm Phật đường mới được xây dựng tại nơi dựng chùa ngày nay. Cùng năm đó, thầy Thích Không Giải được thỉnh về trông coi niệm Phật đường. Đến năm 2013, chùa được thành lập với tên gọi Sơn Thành và Đại đức Thích Không Giải chính thức được bổ nhiệm trụ trì từ đó cho đến nay.
Thế rồi, với kiến thức và cái tâm, uy tín của vị trụ trì trẻ Thích Không Giải, công trình chùa Sơn Thành với kiến trúc hiện đại, cảnh quan phù hợp với thiên nhiên… đã được xây dựng, trở thành một điểm nhấn đáng chú ý trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đặc biệt, sau khi chùa hình thành, công trình đáng chú ý nhất là pho tượng Quan Âm Bồ tát. Tượng được xây dựng năm 2013, cao 30 m, do vậy, phật tử và người dân ở các xã, thị trấn vùng lân cận cũng có thể nhìn thấy pho tượng lồng lộng giữa mây trời biên giới này.
Thêm duyên gắn bó keo sơn
Kể từ đó với người dân Hướng Hóa, ngôi chùa và pho tượng Phật Quan Âm Bồ tát đã trở nên quá đỗi thân quen. Đặc biệt, những phật tử hay người dân ở Hướng Hóa dù đi xa hàng chục cây số để lao động, sản xuất, nhưng mỗi khi trên đường trở về nhà, len qua những ngọn đồi, chỉ cần nhìn thấy tượng Quan Âm Bồ tát ở chùa Sơn Thành, là biết mình sắp về tới nhà. Nhiều người ví, pho tượng trên chốn non ngàn này tựa như ngọn hải đăng chỉ lối cho họ về với quê hương, gia đình.
Còn phía bên kia biên giới, là ngôi chùa mang tên bản Karon thuộc trung tâm của Khu kinh tế cửa khẩu Densavan, huyện Sê Pôn tỉnh Savannakhet (Lào). Nơi đây có pho tượng Bổn Sư Thích Ca màu vàng, tỏa sáng giữa màu xanh miên man của núi rừng Trường Sơn, cũng hẳn sẽ là “chốn về” cho những người con ở xứ sở Triệu Voi.
Hai ngôi chùa như đối xứng nhau về cự ly. Ở hai ngôi chùa có hai pho tượng Phật cao vời vợi, là nơi “tỏa ánh hào quang” của nhà Phật trên dãy Trường Sơn lộng gió. Chẳng biết là sự ngẫu nhiên hay cái duyên của Phật, mà có được sự tương xứng độc đáo ấy!
Giải thích thêm về “cái duyên” này, Đại đức Thích Không Giải cho hay, chùa Ka Rôn nằm cách cửa khẩu chừng 2 km, cùng nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, bên sông Sê Pôn. Bên ấy, tượng Bổn Sư Thích Ca tư thế ngồi, màu vàng, hướng về phía Việt Nam, là dòng Phật giáo Nam tông. Còn phía Việt Nam, chùa Sơn Thành cũng với cự ly ấy, cũng trên trục hành lang kinh tế Đông -Tây, cũng nằm bên sông Sê Pôn, đối xứng là tượng Quan Âm Bồ tát màu trắng, hướng sang đất Lào và là dòng Phật giáo Bắc tông.
Cái duyên ấy, cùng với vị trí đắc địa, cảnh quan và hai pho tượng đẹp, hai ngôi chùa Sơn Thành và Ka Rôn không chỉ là nơi để phật tử tu tập, chiêm bái mà còn là địa chỉ tham quan, vãn cảnh của du khách khi ngang qua tuyến hành lang Kinh tế Đông - Tây. Sự đồng điệu và đối xứng của hai ngôi chùa bên dòng sông Sê Pôn đã làm nên điều đặc biệt cho vùng đất biên giới này.
Theo ông Lê Bá Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) người dân biên giới huyện Hướng Hóa, cũng như du khách trong và ngoài tỉnh, mỗi lần đến Lao Bảo, cũng thường qua Lào tham quan chùa Ka Rôn. Ngoài việc thưởng ngoạn những kiến trúc lạ so với các chùa ở xứ Việt, chùa Karon có thêm nghi lễ buộc chỉ tay cầu phúc vào các ngày lễ, tết.
Giữa chốn tu hành, sợi chỉ nhiều màu sắc khác nhau, được sư thầy buộc vào cườm tay sau khi đọc những câu kinh cầu nguyện, trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch, trong đó có số đông người Việt Nam. Cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau hướng thiện với tâm thế từ bi, hỉ, xả theo nhà Phật và sự giao lưu, qua lại của người dân hai bản, hai đất nước trên bước hành hương về cửa Phật càng làm cho tình người Việt - Lào nơi biên giới thêm nở hoa. Và đó cũng là một cái duyên để tình hữu nghị giữa hai bản làng bên dòng Sê Pôn thêm gắn bó keo sơn.