Trong suốt 18 năm làm cộng tác viên dân số , anh Đinh Ra Ghin, thôn Làng Ren, xã Long Môn, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Xã Long Môn địa bàn rộng, dân cư ở phân tán, rải rác, trình độ dân trí không đồng đều; phong tục, tập quán của địa phương còn lạc hậu, nhất là quan niệm về sinh con trai để nối dõi tông đường vẫn còn nặng nề trong một bộ phận dân cư… Anh Đinh Ra Ghin cho rằng, phải yêu nghề, tâm huyết với nghề thì mới gắn bó lâu dài được. Việc tuyên truyền về công tác dân số phải bằng cái tâm, cái tình, thật khéo léo, tế nhị để không chỉ chị em phụ nữ hiểu mà người chồng cũng hiểu, cùng có trách nhiệm thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.
Để giúp bà con có kiến thức về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, vấn đề sàng lọc trước sinh và sơ sinh, hệ lụy tảo hôn, anh Đinh Ra Ghin không chỉ tuyên truyền trên hội trường, hội nghị mà “gặp đâu tuyên truyền đấy” như trên đường cùng nhau đi chợ, lúc làm đồng… Nhờ kiên trì vận động theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu” mà nhiều năm liền, thôn Làng Ren không có người sinh con thứ ba; tư tưởng trọng nam khinh nữ từng bước được đẩy lùi; phần lớn người dân đã hiểu và chấp nhận mô hình gia đình 2 con.
Cũng là CTV như anh Đinh Ra Ghin, anh Đinh Kim có tới 20 năm làm CTV dân số tại thôn Gò Chè, xã Long Sơn. Tham gia làm CTV, anh Kim luôn đi đầu trong các phong trào và làm gương cho người khác noi theo. Anh luôn kết hợp chặt chẽ với các hội, đoàn để tạo ra “sức mạnh tập thể”, tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: Nói chuyện, phát tờ rơi, sách báo, tạp chí về dân số; đóng kịch, xây dựng các tiểu phẩm để lồng ghép trong các buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng… từ đó, góp phần giảm nhanh tỷ lệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con Nhân dân.
Còn tại thôn Dục Ái (nay là thôn Hà Xuyên), xã Long Hiệp hiện có tới 99% số nhân khẩu là đồng bào dân tộc Hrê. Điều kiện kinh tế còn nghèo, trình độ dân trí người dân chưa cao, nhưng công tác DS-KHHGĐ ở đây thật sự là một điểm sáng. Người có đóng góp quan trọng, tạo nên “điểm sáng” đó là chị Đinh Thị Gởi.
14 năm làm CTV dân số, chị Gởi đã phối hợp với cán bộ chuyên trách dân số, các ban, ngành, đoàn thể của xã tổ chức tuyên truyền nhóm nhỏ; tư vấn tại hộ gia đình; sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB) tiền hôn nhân, CLB thực hiện chính sách dân số; vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động nâng cao chất lượng dân số... Nhờ đó, hằng năm, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai tại Dục Ái đều đạt 100% số chỉ tiêu giao, nhiều năm liền thôn không có người sinh con thứ ba trở lên.
Chị Gởi cho biết: "Trước đây, theo phong tục cũ, các thai phụ thường tự sinh con ở nhà. Hủ tục lạc hậu ấy đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ sơ sinh và thai phụ, trở thành nỗi ám ảnh không dứt của phụ nữ Hrê nơi này. Nhưng đến nay, nhờ được tuyên truyền, giáo dục về các chính sách DS-KHHGĐ, nhất là việc tư vấn về lợi ích của việc sinh đẻ tại các cơ sở y tế nên hủ tục xưa kia được xóa bỏ. Hầu hết các ca sinh nở đều "mẹ tròn, con vuông".