Nhà sàn là văn hóa vật thể nổi bật của người Kháng. Trước thời tiết khắc nghiệt ở vùng núi cao, nhà sàn có ưu điểm: mát mẻ vào mùa Hè, ấm vào mùa Đông. Trước tình hình đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả, bà con dân tộc Kháng vẫn cố gắng duy trì văn hóa truyền thống, song song với việc hội nhập kinh tế và tri thức.
Cụ ông người Kháng tự tay đan lưới bắt cá, đây là thói quen dung dị của nhiều người già trong bản. Dân tộc Kháng chỉ chiếm 0,91% dân số ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Trước thời thế phát triển, thích nghi dần với xu thế “bình thường mới” hậu Covid-19, đồng bào Kháng vừa tiếp thu lối sống hiện đại, vừa duy trì nét văn hóa đặc sắc về phong tục, tập quán.
Các em nhỏ tranh thủ giúp gia đình làm việc ngoài giờ học.
Mỗi hộ gia đình thường có 2 bếp lửa: một bếp để nấu ăn hằng ngày, bếp còn lại để sưởi và nấu đồ cúng bái. Tuy vậy, nhiều khảo sát, điều tra về thực trạng đời sống cho thấy đồng bào Kháng vẫn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, tỷ lệ đói nghèo còn cao. Dân số trong bản cũng thưa thớt dần vì bà con xuống miền xuôi học tập và làm việc. Vì vậy, hầu hết chỉ có người già và trẻ nhỏ sinh hoạt ở nhà, họ sống theo nhu cầu tự cung tự cấp.
Trái với những dịp lễ sôi động, thấm đượm nghi thức truyền thống, như: Lễ cơm mới, Lễ Pang phoóng, Lễ hội Xên Pang ả… Nhịp sống hằng ngày tại bản làng người Kháng rất yên bình và trìu mến. Ngày nay, đời sống tinh thần của người Kháng đã có không ít đổi thay, chủ yếu đan xen và học hỏi từ văn hóa của dân tộc Thái, Kinh.