“Vùng lõm” trong tiếp cận thông tin
Năm 2020, Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê công bố kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS. Trong báo cáo này, một số liệu đáng chú ý là, tại thời điểm điều tra (năm 2019), có 61,3% trong tổng số 3.680.943 hộ gia đình DTTS có sử dụng Internet; thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước (71,3%).
Tây Nguyên là khu vực có tỷ lệ hộ gia đình DTTS có sử dụng Internet thấp nhất 46,1%, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 50,0%. Có 9/53 DTTS có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet dưới 30% như: La Hủ 10,2%, Brâu 15,1%, Chứt 21,2%, Mảng 23,3%, Cống 24,3%, Bru Vân Kiều 25,6%, Xơ Đăng 28,5%, Ba Na 28,5% và Si La 29,6%.
Cùng với đó, kết quả điều tra cũng chỉ ra, chỉ có 10,3% hộ gia đình DTTS có sử dụng máy vi tính. Trong đó, khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình DTTS có sử dụng máy vi tính thấp nhất 5,0%, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 5,7%. Có tới 29/53 DTTS có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng máy vi tính dưới 5% như: Xinh Mun 1,1%, Khơ Mú 1,3%, Rơ Măm 1,5%, La Hủ 1,6%, Ba Na 1,8% và Chứt 1,9%...
Bên cạnh những số liệu trong kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS thì cũng có những khảo sát khác làm rõ thêm bức tranh chung về điều kiện tiếp cận thông tin của đồng bào DTTS. Trong đó, đáng chú ý là một khảo sát của Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện tại 6 cộng đồng người DTTS (Mông, Dao, Ê Đê, M’nông, Xơ Đăng, Khmer), được công bố năm 2017.
Kết quả khảo sát này cho thấy, cộng đồng DTTS có xu hướng nghe phát thanh từ điện thoại di động, nhưng tỷ lệ cũng không cao. Trong đó, tỷ lệ nghe phát thanh bằng điện thoại di động của người Dao là 47,14%, Ê Đê 43,75%, M’nông 38%, Khmer 33,33%, Xơ Đăng 30%; thấp nhất là người Mông với 26,57%.
Còn người nghe phát thanh qua Internet vẫn ở mức thấp (Ê Đê 15,63%, Mông 13,71%, Dao 10,71%, Xơ Đăng 6%, Khmer 2,6%, M’nông 2%). Có nhiều yếu tố dẫn đến kết quả này như sự không tiện dụng của phương tiện (nếu nghe phát thanh từ máy tính); mạng Internet chưa đến được những vùng xa xôi, hẻo lánh, đặc biệt là thôn, bản; thiết bị dùng để nghe phát thanh qua mạng (máy tính, điện thoại thông minh) chưa phải là sở hữu cá nhân phổ biến ở cộng đồng DTTS.
Để tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến vùng sâu, vùng xa, bên cạnh chính sách cung cấp thông tin cho đội ngũ Người có uy tín, chính sách cấp báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn đã được triển khai từ nhiều năm qua. Giai đoạn 2019 – 2021, chính sách này được thực hiện theo Quyết định 45/QĐ-TTg, đã góp phần lấp “vùng lõm” về thông tin ở khu vực này.
Trong 3 năm (2019 - 2021), các báo, tạp chí thực hiện Quyết định 45/QĐ-TTg đã cấp gần 34 triệu ấn phẩm, cung cấp cho 424.529 đối tượng được thụ hưởng. Việc triển khai thực hiện Quyết định 45/QĐ-TTg đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; truyền tải sâu rộng bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục
Chính sách cấp báo báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn cùng với chính sách cung cấp thông tin cho Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đã góp phần quan trọng hướng tới mục tiêu xóa “vùng lõm” về thông tin. Quan trọng hơn, các chính sách này đã “cõng” luật về thôn bản; vừa là một “kênh” tuyên truyền, vận động, vừa là một phương tiện để PBGDPL ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần thực hiện mục tiêu của Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi” theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 8/8/2017 (QĐ 1163).
Trong báo cáo Tổng kết số 975/BC-UBDT ngày 21/6/2022, Ủy ban Dân tộc đánh giá, sau khi QĐ 1163 được ban hành, công tác PBGDPL đã được triển khai có hệ thống, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Nhưng như đã nêu ở trên, vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Thiếu thông tin, thiếu hiểu biết pháp luật sẽ khiến đồng bào ở khu vực này rất dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ, kích động.
Trong Báo cáo số 884/BC ngày 8/6/2022 về thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, Ủy ban Dân tộc đánh giá, tình hình an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội trên địa bàn DTTS cơ bản ổn định; tuy nhiên vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Đặc biệt, tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán người, đi lại trái phép qua biên giới ở một số địa phương vùng DTTS vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp. Bởi vậy, PBGDPL và tuyên truyền, vận động tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Từ năm 2022, công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động vùng đồng bào DTTS và miền núi được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Nội dung số 2 của Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 10). Theo đó, chính sách cấp báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 45/QĐ-TTg tiếp tục được triển khai; đồng thời, xây dựng Báo Dân tộc và Phát triển trở thành cơ quan truyền thông đủ năng lực đáp ứng yêu cầu về công tác dân tộc và thông tin tuyên truyền hiệu quả, kịp thời về Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Để công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động hiệu quả, như đề nghị của Ủy ban Dân tộc tại văn bản số 975/BC-UBDT, ngày 21/6/2022, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành liên quan hoàn thiện cơ chế hướng dẫn và bố trí ngân sách kịp thời.
Một giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL đang được Ủy ban Dân tộc phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện là xây dựng chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng DTTS, Người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng DTTS tham gia công tác PBGDPL.
Số liệu được đưa ra tại buổi làm việc giữa Vụ Pháp chế (Ủy ban Dân tộc) với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) ngày 2/6/2022 cho thấy, hiện các địa phương có 1.137 báo cáo viên cấp tỉnh, 1.752 báo cáo viên cấp huyện và 13.115 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS. Tuy nhiên, lực lượng này chủ yếu kiêm nhiệm, ít được bồi dưỡng, tập huấn; đó là chưa nói số lượng chưa đáp ứng yêu cầu cho hoạt động PBGDPL.
Trong Báo cáo số 975/BC-UBND ngày 21/6/2022 tổng kết 5 năm thực hiện QĐ 1163, Ủy ban Dân tộc đánh giá, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan là “đòn bẩy” để nâng cao hiệu quả PBGDPL và tuyên truyền, vận động vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trước mắt là xây dựng chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng DTTS, Người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng DTTS tham gia công tác PBGDPL. Khi được ban hành, chính sách này sẽ góp phần quan trọng “cõng” luật về tận thôn, bản.