Đề án 1163 đặt mục tiêu tổng quát là vận động đồng bào các dân tộc xây dựng xã hội lành mạnh, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, nhằm ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi. Sau 5 năm triển khai, Đề án đã góp phần quan trọng giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn này.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Thôn Leo, xã Thành Lâm (Bá Thước, Thanh Hóa) nằm vắt vẻo trên đỉnh Pù Luông; dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Những năm gần đây, thôn Leo là điểm du lịch khá hút khách, với mô hình du lịch cộng đồng.
Theo ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm, trước đây, người dân thôn Leo chủ yếu sản xuất nông nghiệp; nhưng do nằm trên núi cao, diện tích canh tác vừa ít, lại manh mún nên đời sống người dân thôn Leo rất khó khăn. Kể từ khi du lịch phát triển, nhiều gia đình trong thôn đã chuyển sang làm dịch vụ du lịch, kinh tế gia đình nhờ đó cũng khấm khá hơn. Để phát triển bền vững, người dân trong thôn Leo cũng như các thôn lân cận thường xuyên được nâng cao nhận thức về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các buổi tuyên truyền do huyện, xã tổ chức.
“Người dân đã tự nguyện tham gia các lớp tập huấn về ứng xử văn hóa với khách du lịch, hỗ trợ nhau trong kinh doanh homestay, chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, dọn dẹp, phát cỏ, trồng hoa các lối đi trong bản...”, ông Dũng chia sẻ.
Không chỉ tập trung tuyên truyền về việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các DTTS số gắn với phát triển du lịch mà những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho đồng bào DTTS được xã Thành Lâm quan tâm triển khai. Công tác TTPBGDPL cũng được xã lồng ghép triển khai trong quá trình thực hiện các chương trình công tác dân tộc, chính sách dân tộc, từ đó củng cố niềm tin, giúp đồng bào yên tâm phát triển kinh tế.
Thôn Leo có thể xem là một trong những điểm sáng trong việc triển khai thực hiện Đề án 1163 của tỉnh Thanh Hóa. Hiệu quả của công tác TTPBGDPL ở đây không chỉ là ổn định an ninh trât tự ở một điểm du lịch mới nổi mà điểm nhấn ở thôn Leo là đã tạo ra chiều sâu văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, sau 5 năm triển khai Đề án 1163, các cấp ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động TTPBGDPL về Hiến pháp, các Luật, văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc liên quan đến vùng DTTS và miền núi. Các nội dung tuyên truyền, phổ biến phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, nhất là các xã, bản trọng điểm về an ninh trật tự, nhằm góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Nhờ đó, tình hình vi phạm chính sách, pháp luật và đơn thư khiếu kiện vượt cấp trong vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm đáng kể; các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy; vệ sinh môi trường nhiều nơi có cải thiện; nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm hẳn; an ninh trật tự trên các địa bàn miền núi, vùng đồng bào DTTS cơ bản giữ vững ổn định, không phát sinh “điểm nóng”, lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng cao.
Nhiều cách làm sáng tạo
Cũng như tỉnh Thanh Hóa, trong 5 năm qua, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã triển khai Đề án 1163 khá toàn diện, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo để kịp thời TTPBGDPL, chính sách dân tộc đến với đồng bào DTTS.
Theo văn bản số 975/BC-UBDT ngày 21/6/2022 của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2017 – 2021, tại 37/51 địa phương vùng DTTS và miền núi đã tổ chức được 348.016 hội nghị, lớp tập huấn TTPBGDPL cho khoảng 9.846.083 lượt người tham dự; tổ chức 17 hội thảo cho khoảng 1.530 lượt người tham dự để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm TTPBGDPL; tổ chức 931 hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho hơn 305.956 lượt người tham dự…
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, cơ hội tiếp cận thông tin của đồng bào DTTS ngày càng được mở rộng; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng internet đạt 61,3%, tăng hơn 9 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, do phần lớn đồng bào DTTS sinh sống tại các khu vực biên giới, vùng núi, nơi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế-xã hội còn hạn chế nên còn nhiều rào cản khiến đồng bào DTTS gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin. Hiện nay chưa có chính sách riêng về tiếp cận thông tin cho đồng bào DTTS mà việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho đồng bào được lồng ghép trong các chính sách, chương trình, dự án phát triển về kinh tế-xã hội, văn hóa-giáo dục, tuyên truyền pháp luật...
Ở các địa phương cũng đã xây dựng, nhân rộng 188 mô hình điểm ở các xã, thôn, bản về đẩy mạnh TTPBGDPL và vận động đồng bào DTTS. Một số địa phương có cách làm sáng tạo trong việc lồng ghép nội dung PBGDPL và tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS để PBGDPL cho hơn 1.118.980 lượt người...
Có thể kể đến TP. Cần Thơ, do chủ trương phải sát nhập các Tủ sách pháp luật nên mô hình tuyên truyền, PBGDPL này không còn hoạt động từ năm 2020. Để nguồn tư liệu này không bị lãng phí, Thành phố đã thí điểm triển khai tủ sách pháp luật trong các Quán Cà phê pháp luật (hay còn gọi là Câu lạc bộ pháp luật). Tính đến hết năm 2021, các Quán cà phê pháp luật đã tổ chức sinh hoạt được 918 cuộc, có 31.392 lượt người tham dự. Qua đó, tuyên truyền và lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, đối tượng là người nghèo, người khuyết tật, gia đình chính sách, đồng bào DTTS, tôn giáo ở cơ sở.
Hay tại Nghệ An, một trong những hình thức tuyên truyền, PBGDPL mang lại hiệu quả thiết thực là mô hình “Tiếng loa Biên phòng”. Theo đó, bộ đội với các trang thiết bị gọn nhẹ, cơ động đến tận khu dân cư, len lỏi vào từng ngõ xóm để tuyên truyền, đưa kiến thức pháp luật và các thông tin cần thiết đến với mọi người, mọi nhà, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới.
Việc tuyên truyền, PBGDPL còn được cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, quân sự, công an và các lực lượng đứng chân trên địa bàn khu vực biên giới kết hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; qua đội ngũ già làng, trưởng bản, các chức sắc, chức việc, những Người có uy tín và lồng ghép trong hoạt động văn hóa-văn nghệ, xét xử lưu động các vụ án tại địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, việc triển khai Đề án 1163 đã đáp ứng một phần nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đối tượng đặc thù là đồng bào DTTS, cần được tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới. Do đó, Uỷ ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tích hợp vào dự án 10 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để đảm bảo nguồn lực tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, thường xuyên, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.