Đột phá trong phát triển
Mới đây, BHXH Việt Nam đã đánh giá về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (NQ28) về cải cách chính sách BHXH, với mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Kể từ khi có NQ28, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự phát triển nhanh chóng. Cụ thể, năm 2018, toàn quốc có trên 277.000 người tham gia, tăng hơn 52.900 người (tương ứng tăng 23,6%) so với năm 2017. Năm 2019, con số này đã tăng lên gần 574.000 người, tăng 296.700 người (tăng 107,1%) so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.
Các kết quả mà số người tham gia BHXH tự nguyện đạt được, đặc biệt ở các tỉnh miền núi, khu vực DTTS và các vùng đặc biệt khó khăn, nơi mà trước đó các chỉ tiêu về BHXH tự nguyện còn khó khăn và chậm chạp, giờ đây có nhiều kết quả chuyển biến rõ rệt. Nổi bật trong phát triển BHXH tự nguyện thời gian qua là BHXH tỉnh Lạng Sơn.
Theo ông Đỗ Văn Khoan, Giám đốc BHXH tỉnh Lạng Sơn, NQ28 đã đem đến một “luồng gió” mới trong công tác phát triển BHXH, BHYT nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng. Cùng với việc đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, vận động, đến nay toàn tỉnh đã có trên 8.858 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 114,4% kế hoạch và vượt 0,74% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Nguyên nhân và những bài học
Theo BHXH Việt Nam, có nhiều nguyên nhân, nhưng nổi bật là nội dung chính sách đã được nới rộng và tiếp cận các đối tượng trên diện rộng; đã không giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện, chỉ cần là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên. Các phương thức đóng đa dạng và linh hoạt, nới rộng thời điểm đóng. Quy định mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện cũng phù hợp hơn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng). Người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Cùng với việc triển khai các chính sách đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ Trung ương, địa phương tới cơ sở thôn bản… đã quan tâm chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, giao chỉ tiêu, tuyên truyền, vận động qua nhiều kênh, nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, phong phú, tinh giản nhiều thủ tục để phát triển đối tượng tham gia BHXH.
Dấu ấn đáng kể cần được coi trọng, là công tác ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa bộ máy tổ chức thực hiện của cơ quan BHXH. Giao dịch điện tử gần như được thực hiện hầu khắp các hoạt động nghiệp vụ BHXH, BHYT, được người dân đón nhận.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cả ba tầng trong chính sách BHXH của NQ28 đều có ý nghĩa rất quan trọng. Điểm có ý nghĩa nhân văn nhất, mang tính xã hội rộng khắp và thể hiện quan điểm của Đảng chăm lo tới mọi người dân chính là tầng thứ nhất, chính sách trợ cấp hưu trí xã hội. “Chính sách BHXH cơ bản mang ý nghĩa làm thay đổi nhận thức của người dân. Không chỉ thực hiện chính sách BHXH bắt buộc, chúng ta mở rộng cả chính sách BHXH tự nguyện để nhanh chóng đạt được độ bao phủ BHXH toàn dân”, ông Lợi đánh giá.